Tăng hình phạt một số hành vi phạm Luật giao thông đường bộ

Khóa bánh phương tiện tại chỗ hoặc cẩu, kéo đến nơi tập kết khi chủ xe, lái xe cố tình bỏ phương tiện, không hợp tác với lực lượng thực thi công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, đây là đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhằm nâng cao hiệu lực điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, hiệu quả thực thi pháp luật, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ.

Đề xuất trên được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Chính phủ cho thực hiện thí điểm từ ngày 15/3. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chi phí phát sinh để khóa bánh hoặc cẩu, kéo phương tiện và trông giữ phương tiện, hàng hóa, tài sản trên xe.

Cùng với hành vi trên, nhiều hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất thực hiện trong thời gian này. Theo đó, người điều khiển phương tiện chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 150% (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt tiền 25 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 12 tháng, phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.

Kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: TTXVN


Chủ phương tiện có hành vi giao hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện mắc vi phạm trên bị phạt tiền từ 40 triệu đồng (đối với chủ phương tiện là cá nhân) đến 80 triệu đồng (đối với chủ phương tiện là tổ chức) hoặc tịch thu phương tiện nếu chủ phương tiện không nộp tiền phạt.

Đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn của lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, các mức xử phạt được đề xuất là phạt tiền từ 8 - 15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 6 tháng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đến 50 mg/100 ml máu hoặc đến 0,25 mg/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 12 tháng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn từ trên 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở; đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe. Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở, người lái xe bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện; phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy cũng bị phạt từ 4 -5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 12 tháng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn từ trên 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/ 1lít khí thở; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở. Người mắc các vi phạm trên phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe. Người lái xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc sẽ bị tịch thu phương tiện.


Vân Linh (TTXVN)
Không bao che trong xử lý vi phạm giá cước vận tải
Không bao che trong xử lý vi phạm giá cước vận tải

Tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam, chỉ có một doanh nghiệp bị lập biên bản vi phạm hành chính do kê khai giá cước vận tải chưa kịp thời, đúng quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN