Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu nhà thầu phải tăng thời gian bảo hành lên từ 2 - 4 năm cho các công trình giao thông. Đây được xem là một trong những giải pháp tích cực để nâng chất lượng công trình, ngăn chặn nhà thầu làm ẩu.
Thời gian bảo hành từ 2-4 năm
Theo Nghị định 49/2008/CP của Chính phủ, các công trình giao thông khi hoàn thành, bàn giao cho chủ đầu tư quản lý, vận hành, nhà thầu chỉ có trách nhiệm bảo hành trong thời gian 1 năm. Tuy nhiên, nhiều công trình sau khi hết thời hạn bảo hành xuất hiện sự cố, chất lượng xuống cấp, chủ đầu tư chậm hoặc chây ì bảo dưỡng, sửa chữa, khiến các sự cố kéo dài, gây bức xúc dư luận.
Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) có thời gian bảo hành 48 tháng. |
Điển hình như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nhà thầu thi công là Ban Quản lý dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình (Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc - Bộ GTVT). Công trình này đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2012. Sau hơn hai năm vận hành, công trình đã bị xuống cấp, kết cấu mặt đường bị phá vỡ… Do đã hết thời gian bảo hành, nên Bộ GTVT đã phải “đôn đáo” bổ sung các nhà đầu tư khác vào thi công, nâng cấp, sửa chữa. Nhiều công trình khác như: Cầu Thăng Long, QL5, đường Láng - Hòa Lạc, Đại lộ Đông Tây TP Hồ Chí Minh… cũng trong tình trạng tương tự.
Nhiều công trình mới đưa vào khai thác năm 2014 như: QL18 Hạ Long - Quảng Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, các gói thầu trên QL1, QL14… chỉ sau khi vận hành thời gian ngắn đã bị lún nứt, hằn vệt bánh xe, bong tróc mặt đường… Trong thời gian nhà thầu bảo hành, chủ đầu tư phải dừng thu phí trong thời gian dài gây thiệt hại lớn đến kinh tế.
Từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký Quyết định 3230/QĐ-BGTVT (ngày 25/8/2014) về nâng cao trách nhiệm bảo hành đối với các dự án hạ tầng do Bộ GTVT đầu tư. Theo quyết định này, từ 25/8, các dự án được quy định tăng thời hạn bảo hành lên từ 2 - 4 năm.
Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh cho rằng: Việc tăng thời gian bảo hành nhằm nâng cao trách nhiệm, tăng chất lượng công trình. Theo đó, công trình cấp đặc biệt và cấp một sẽ có thời hạn bảo hành 48 tháng; công trình cấp hai là 42 tháng; công trình cấp còn lại là 24 tháng. Mức bảo hành của các cấp này từ 3 - 5% giá trị hợp đồng.
Nhiều doanh nghiệp đồng tình
Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long Vũ Hồng Phương khẳng định: Vì thời hạn bảo hành dài, nếu công trình chất lượng kém, bị hỏng hóc trước khi hết hạn bảo hành, nhà thầu sẽ thiệt hại lớn. Do đó, việc coi trọng thời gian bảo hành để đảm bảo chất lượng công trình là tất yếu.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) Cấn Hồng Lai cho biết: Thời gian gần đây, Cienco1 đã yêu cầu các nhà thầu đang triển khai các dự án phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình thi công, kiểm định nguyên vật liệu đầu vào, thời gian nghiệm thu thảm đường… để đảm bảo chất lượng theo cam kết với chủ đầu tư.
“Tiền đầu tư xây dựng hạ tầng dù là vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ hay của doanh nghiệp cũng đều là tiền thuế của dân đóng góp. Vì vậy, công trình phải đảm bảo chất lượng phục vụ người dân. Ngoài việc thời hạn bảo hành công trình tăng lên từ 2 - 4 năm, chi phí hoàn toàn do nhà thầu chịu, trước khi hết hạn bảo hành 3 tháng, Bộ GTVT sẽ lập đoàn kiểm tra, nếu có hiện tượng có thể hỏng trong thời gian ngắn thì sẽ yêu cầu sửa chữa ngay”. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng |
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho biết: Nhà đầu tư, nhà thầu làm hỏng, phải bảo hành là đương nhiên. Nhưng khi đã hết thời gian bảo hành, nếu công trình hư hỏng mà nguyên nhân do chủ quan của nhà thầu, nhà đầu tư thì nhà thầu, nhà đầu tư vẫn phải bảo hành lại.
Theo ông Trần Xuân Sanh, sau khi Bộ GTVT ban hành quyết định trên, đa phần các doanh nghiệp đồng tình. Cũng theo ông Sanh, kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hành, nếu công trình xảy ra khiếm khuyết về chất lượng, nhà thầu thi công vẫn phải chịu trách nhiệm và khắc phục tương ứng. Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm, các nhà thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong câu chuyện với lãnh đạo các nhà thầu lớn, phóng viên báo Tin Tức cũng ghi nhận nhiều ý kiến đồng tình với việc tăng thời gian bảo hành công trình. Mỗi công trình giao thông có giá trị đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, thì thời gian bảo hành 2 - 4 năm không phải là dài. Mặc dù không ít doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận, tăng thời gian bảo hành đồng nghĩa với việc họ phải tốn thêm nhiều chi phí hơn. Việc Bộ GTVT yêu cầu tăng thời hạn bảo hành xem như bắt đúng “bệnh”, ngăn chặn nhà thầu làm ẩu; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có thương hiệu phát triển.
Tiến Hiếu