Lao động dệt may không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: Hải Âu/TTXVN. |
Cụ thể, dự thảo nêu trên đưa ra 2 phương án về tuổi nghỉ hưu: Trong đó phương án một áp dụng như hiện hành là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; phương án hai, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và từ ngày 1/1/2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Theo phương án hai, một lao động nam về hưu năm 2020, tuổi nghỉ hưu sẽ áp dụng như hiện nay là 60. Song nếu về nghỉ hưu từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi 6 tháng; về hưu năm 2022, tuổi nghỉ sẽ là 61; về hưu năm 2023, tuổi nghỉ hưu là 61 tuổi 6 tháng...
Lý do Bộ LĐTBXH đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là để cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn; nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì sẽ mất cân đối quỹ này.
Trước đó tại rất nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, lãnh đạo Bộ LĐTBXH đã đưa ra đề xuất này với lý do tuổi thọ người Việt Nam đang gia tăng trong khi tỷ lệ hưởng 75% của Việt Nam ở mức cao trên thế giới. Điều này dẫn đến quỹ lương thu không đủ chi. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên phương án này được ghi vào dự thảo Luật Lao động để lấy ý kiến.
Theo Bộ LĐTBXH, khi lấy ý kiến tại các buổi tọa đàm, hội thảo, đa phần không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, nhất là với người lao động chân tay, phổ thông. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm mất cơ hội việc làm cho người trẻ.
Theo lộ trình, dự thảo Luật Lao động này sẽ tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5/2019.