“Với những người bị bệnh mạn tính, tim mạch, huyết áp, thường xuyên đến bệnh viện như tôi, thì việc tăng viện phí là là một mối lo ngại lớn vì nó ảnh hưởng đến thu nhập chung của gia đình. Lần nào tăng viện phí, cán bộ cũng giải thích, người bệnh có thẻ BHYT sẽ lợi vì sẽ được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn; nhưng thời gian qua, tôi thấy chất lượng dịch vụ, chất lượng khám chữa bệnh không tăng là mấy”, bà Nguyễn Thị Hiền, Vĩnh Tuy, Hà Nội chia sẻ.
Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Quảng Bình) ứng dụng tin học hiệu quả vào quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, có thẻ BHYT tại Bệnh viện Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhưng lâu nay bà rất ngại đi khám bệnh. Bởi mỗi lần khám là mỗi lần phải làm cả lô xét nghiệm, rồi chiếu chụp… Điều đáng nói, bệnh tình thuyên giảm chậm, dù đã nằm viện theo chỉ định của bác sĩ.
“Mấy lần ốm quá, tôi phải đến thẳng Bệnh viện Bạch Mai để khám, điều trị. Vượt tuyến như vậy là tôi không được BHYT chi trả, phải tự bỏ tiền túi 100% chi phí điều trị, nhưng thế còn hơn là trông chờ vào việc khám bệnh tại đơn vị mà tôi buộc đăng ký thẻ BHYT”, bà Hiền cho biết.
Tương tự, chị Nguyễn Thanh Thủy, Khu tập thể 8/3 (Hà Nội) cho rằng: “Đồng ý là cần tăng viện phí cho phù hợp với giá cả hiện tại, nhưng từ phía người dân, tôi thấy rằng sự thay đổi về chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế sau nhiều lần điều chỉnh là chưa nhiều. Vừa qua, tại một số bệnh viện, mới chỉ cải thiện đôi chút về nơi tiếp đón bệnh nhân, còn chất lượng phục vụ, chất lượng khám chữa bệnh vẫn như trước”.
Trước những băn khoăn của người dân, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế khẳng định: “Giá dịch vụ y tế là một loại giá đặc biệt, là cơ sở để cơ quan BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, nên chính là mức "bồi hoàn" của quỹ BHYT cho người có thẻ BHYT khi đi khám bệnh. Vì vậy, nếu giá viện phí càng cao, thì người bệnh càng được "bồi hoàn" nhiều hơn”.
Cũng theo ông Nam Liên, sau 3 năm điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mặc dù hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60 - 95% khung giá của 3 yếu tố, nhưng các bệnh viện sử dụng 15% tiền khám bệnh, ngày giường để mua thêm giường, ghế, cải tạo, sửa chữa phòng khám khang trang hơn, các buồng bệnh đã có sự thay đổi cơ bản phần nào đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Không chỉ vậy, nhiều bệnh viện khi có nguồn thu đã chủ động sử dụng nguồn của bệnh viện, nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để bổ sung đầu tư khu vực phòng khám cũng như khu điều trị.
Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định, tăng viện phí khoảng 23,7 triệu người, là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT là có lợi. Bởi lẽ. người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng KTXH đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng… khi đi KCB được BHYT thanh toán 100% (trước đây chỉ được thanh toán 95%, đồng chi trả 5%, trừ trẻ em dưới 6 tuổi đã được thanh toán 100%) nên toàn bộ phần tăng thêm đã được BHYT thanh toán cho bệnh viện; không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Bên cạnh đó, giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Đối với người cận nghèo, hiện đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT; Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo, phấn đấu đạt 100% số người cận nghèo tham gia BHYT... Khi đi khám chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%), nên mức độ tác động không nhiều.
Với những đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT, thì thực tế có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều, vì trước đây, khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm. Mặt khác, từ 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.
“Trước mắt, các đối tượng chưa có thẻ BHYT, phải tự chi trả viện phí vẫn thực hiện theo mức giá cũ nhưng trong tương lai thì không như vậy. Do đó, Bộ Y tế rất mong người chưa có thẻ BHYT nên tham gia BHYT, đặc biệt là nên tham gia cả hộ gia đình để được hưởng việc giảm mức đóng” Ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh. |