Ông Trương Mạnh Tuấn, đại diện Vụ Quản lý Chất lượng môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: So với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải và khí thải công nghiệp sản xuất thép năm 2013 (QCVN 52:2013) thì Dự thảo quy chuẩn mới có quy định chặt chẽ hơn, ngưỡng áp dụng cao, số lượng thông số cũng nhiều hơn. Cụ thể, trước đây chỉ có 12 thông số nhưng nay có 27 thông số ô nhiễm trong nước thải Khu liên hợp sản xuất gang thép và Cơ sở luyện cán thép để làm cơ sở tính giá trị tối đa cho phép. Quy chuẩn nhấn mạnh cho nước thải công nghiệp sản xuất thép mà không trộn lẫn các loại nước thải khác. Mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải công nghiệp sản xuất thép ra nguồn tiếp nhận nước thải tuân thủ quy định tại quy chuẩn này.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: Hội thảo nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, khắc phục ô nhiễm...; đồng thời, phải phù hợp với đặc điểm từng vùng, khu vực và điều kiện kinh tế - xã hội. Theo đó, dự thảo phải tuân thủ nguyên tắc khả thi của pháp luật phù hợp với yêu cầu của đất nước cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đánh giá Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép, ông Nguyễn Như Dũng, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng: Dự thảo đã được xây dựng theo cách tiếp cận hiện đại được áp dụng trên thế giới. Quy chuẩn cũng đã tính đến yếu tố đặc thù công nghệ của các công đoạn sản xuất khác nhau trong ngành công nghiệp gang, thép; các xu hướng về công nghệ, thiết bị của ngành có xét đến yếu tố cụ thể của Việt Nam. Tuy vậy, nên xem xét lộ trình áp dụng một cách phù hợp, bổ sung và điều chỉnh đối với chỉ tiêu VOC, chỉ tiêu tổng Dioxin, furans…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Hạ, Giám đốc Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam đề xuất giảm các thông số kiểm soát chất lượng nước thải sản xuất thép và nồng độ nước thải xuống còn 19 thông số. Tương ứng theo dự thảo mới, đối với giá trị thông số CO từ 1000mg/Nm3, 500mg/Nm3 giảm 50% xuống còn 500 mg/Nm3, 300mg/Nm3 thì rất khó để các doanh nghiệp kịp nâng cấp công nghệ, thiết bị. Đặc biệt, với trường hợp xả nước thải ra biển, thông thường xả xa bờ thì hệ số pha loãng tăng đến 1,5 lần. Xả xa bờ tức là xả ngầm, miệng xả tối thiểu cách bờ ở mức triều thấp nhất là 500m thì nên bổ sung hệ số pha loãng chỉ từ 1,2 -1,5 lần.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam và một số doanh nghiệp thép trong cả nước góp ý một số đề xuất cho Dự thảo sửa đổi quy chuân kỹ thuật quốc gia về khí thải và nước thải công nghiệp sản xuất thép. Theo đó, cần áp dụng kinh nghiệm các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc về quy định kiểm soát các thông số ô nhiễm trong khí thải công nghiệp sản xuất thép; lập đoàn khảo sát các nhà máy đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam; lộ trình áp dụng phù hợp… từ đó cân nhắc xây dựng quy chuẩn vừa phải để cơ quan quản lý tiếp thu và soạn thảo dự thảo nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.