Đối với vị trí bến bãi theo quy hoạch có công trình là bãi đỗ xe ngầm hoặc bãi đậu xe cao tầng, hoặc kết hợp cả hai, UBND thành phố đề nghị Bộ Tài chính miễn tiền thuê đất phần diện tích được xác định bởi tỉ lệ giữa số tầng cung ứng chỗ đậu xe công cộng và tổng số tầng xây dựng so với diện tích khu đất; đồng thời cho phép công trình bến bãi đầu tư xây dựng mới theo quy hoạch (có thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất) được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm. Ngoài ra, UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Tài chính đưa nhóm các dự án đầu tư xây dựng các bến bãi (mặc dù có trung tâm thương mại) vào nhóm hạ tầng để được khuyến khích cho vay vốn đầu tư.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, diện tích bến bãi hiện hữu trên địa bàn thành phố đã không đáp ứng đủ nhu cầu đậu đỗ xe và tổ chức trung chuyển hành khách, hàng hóa. Quỹ đất giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố không chỉ thiếu so với chỉ tiêu quy hoạch mà còn phân bổ không đồng đều, ảnh hưởng nhất định đến hoạt động giao thông vận tải và an toàn giao thông. Tính đến ngày 31/10/2015, diện tích bến bãi hiện hữu trên địa bàn quận huyện gần 85 ha, đạt tỷ lệ 7,% so với chỉ tiêu đề ra.
Đây là nguyên nhân dẫn đến đa số xe buýt, xe taxi phải sử dụng tạm lòng lề đường để đỗ, đón trả khách, phải sử dụng tạm mặt đường, trạm xăng dầu hoặc nhà của chủ xe để lưu đậu qua đêm, không thực hiện được chế độ sửa chữa bảo dưỡng, bảo trì, bàn giao ca… Các bến xe khách mới chưa được đầu tư nhanh do hạn chế ngân sách khiến các bến xe liên tỉnh hiện hữu như Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), Bến xe An Sương (huyện Hóc Môn)… vừa phải đảm nhận chức năng hoạt động liên tỉnh, vừa phải đảm nhận thêm hoạt động của các tuyến xe buýt nội thành; dẫn đến tình trạng quá tải.