Đó là ý kiến thống nhất của các đại biểu Quốc hội đưa ra tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 8/4.
Tại hội thảo, các đại biểu Quốc hội, đại diện các sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội của thành phố như: Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Viện Kiểm sát nhân dân… cùng nhất trí cho rằng, việc bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, góp phần thực hiện mục tiêu: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc”.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của pháp luật trong bảo vệ quyền, lợi ích của những người yếu thế, bà Trần Thị Đoan Trang, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho biết, cần bổ sung vào Điều 11 dự thảo Luật về "quyền của người bị bạo lực gia đình được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ trong trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực và người bị bạo lực gia đình”. Bởi vì, qua các trường hợp thực tế, người phải ra khỏi nhà đều là người bị bạo lực gia đình.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trên thực tế, đa số nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ và lại là người phải tạm lánh, chạy trốn khỏi nơi ở; trong khi người bạo hành thì không phải ra đi. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng có những biện pháp xử lý thỏa đáng với người bạo hành. Đồng thời, trong dự thảo Luật cần chi tiết, cụ thể hóa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình tại các địa phương.
Quan tâm đến đối tượng trẻ em, ông Lê Mạnh Hà, đại diện Sở Công an thành phố đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung các quy định đặc thù về giới, độ tuổi đối với các trường hợp người bị bạo lực là trẻ em và người gây ra hành vi bạo lực là trẻ em, bao gồm: các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý người có hành vi bạo lực gia đình cũng như các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, phục hồi cho người bị bạo lực; phòng ngừa tái diễn các hành vi bạo lực.
Theo ông Lê Mạnh Hà, thực tế cho thấy, dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm bí mật đời tư cho người bị bạo lực, đặc biệt là trẻ em ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý; bảo đảm trẻ được phục hồi, tái hòa nhập và phát triển toàn diện sau khi bị bạo lực. Đồng thời, bổ sung các chính sách cụ thể đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ, bảo vệ các đối tượng yếu thế (trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, bệnh tật, phụ nữ có thai) bị bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hình thức răn đe, xử lý người có hành vi bạo lực, các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình gắn với các quy định trong Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội, thể hiện lối sống thiếu trách nhiệm, việc ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình, phản ánh sự suy thoái về đạo đức của một vài cá nhân, thành viên trong gia đình. Với tính tự giác, mỗi người dân, mỗi cá nhân trong xây dựng môi trường văn hóa phải chủ động điều chỉnh các hoạt động, hành vi của mình theo các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa.
Theo các đại biểu, nhằm kịp thời phòng ngừa, xử lý bạo lực gia đình, các cấp, ngành, địa phương bên cạnh các biện pháp pháp lý cần nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng khu dân cư; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tính cấp bách và thách thức về bạo lực gia đình để đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các hành vi bạo lực.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cần xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức thẩm mỹ, giáo dục đạo đức, rèn luyện thể chất, vui chơi giải trí lành mạnh cho nhân dân; phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, đa dạng về hình thức, phong phú và lành mạnh về nội dung; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa trở thành cơ sở vững chắc trong việc xây dựng con người văn hóa, là pháo đài vững chắc trong phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội thảo còn đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) về kỹ thuật lập pháp, văn phong, nội dung...