Tổng kết 5 năm (2010-2015) công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn (GTNT) gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã đề xuất nhân rộng các mô hình đang thực hiện hiệu quả như: “Nhà nước và nhân dân cùng làm GTNT” ở Tuyên Quang, Phú Yên…, “thành lập hội từ thiện quyên góp xây dựng GTNT” ở Đồng Tháp, Bến Tre… ra cả nước để tạo đột phá.
Các mô hình xã hộ hóa
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Hệ thống GTNT hiện nay phục vụ cho gần 70% dân số cả nước. Toàn quốc hiện có gần 493.000/570.000 km đường, chiếm 86,6% chiều dài toàn bộ mạng lưới đường bộ. Trong 5 năm qua, đường GTNT đã tăng thêm 217.000 km, trong đó đường huyện tăng 10.500 km, đường xã và đường về thôn xóm tăng 101.000 km. Ngay cả đường trục nội đồng nay đã được thống kê có 108.000 km. Đến nay cũng có 220.000/493.000 km đường GTNT được cứng hoá…
Người dân hiến đất làm đường GTNT ở Sóc Trăng |
Có được kết quả này, nhiều địa phương trong cả nước như: Tuyên Quang, Phú Yên, Cần Thơ, Bình Dương… thời gian qua đã thực hiện hiệu quả mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm GTVT”, bởi người dân thấy rõ được lợi ích của các công trình trong việc phục vụ nhu cầu đi lại, học hành, chữa bệnh, phát triển kinh tế, an sinh… Hơn nữa, mô hình này đã thể hiện sự đồng tâm hiệp lực giữa Đảng, Nhà nước, xã hội và người dân trong việc huy động vốn phát triển GTNT.
Thực hiện mô hình này, các địa phương đã hỗ trợ toàn bộ xi măng, ống cống và vận chuyển đến tận công trình, còn người dân hiến đất, vật liệu xây dựng và tổ chức triển khai thi công. Đơn cử, tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ người dân 100% kinh phí mua nguyên vật kiệu xây dựng và người dân các huyện xã đã hiến trên 41.000 m2 đất để làm đường. Trên cơ sở đó, các xã đã thành lập các Ban giám sát cộng đồng để thực hiện trách nhiệm cộng đồng và đã phát triển được 2.500 km đường GTNT trong những năm qua. Tỉnh Phú Yên thực hiện hình thức hỗ trợ kinh phí xây dựng từ 2–3 triệu đồng/km đường GTNT, nên cũng đã phát triển được 1.400 km đường GTNT…
Một mô hình khác cũng rất đáng chú ý là “thành lập các hội từ thiện quyên góp xây dựng GTNT”. Thực hiện mô hình này, nhiều địa phương đã thành lập các Hội cầu đường từ cấp tỉnh đến cấp xã và đi vận động kinh phí làm cầu đường từ các hội đồng hương, các doanh nghiệp thành đạt ở cơ sở... Tỉnh Đồng Tháp trong hai năm đã huy động được 88 tỷ đồng, xây dựng được 200 cây cầu nông thôn, nhờ vậy đã tạo bước đột phá về GTNT trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực Tây Nam Bộ…
Dân giám sát sẽ hiệu quả hơn
Để tạo đột phá về phát triển GTNT trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Trước tiên là phải rà soát các chiến lược, quy hoạch, chương trình lớn về phát triển GTNT để điều chỉnh, định hướng phát triển GTNT bền vững, không bị lạc hậu. Nếu làm không tốt có thể dẫn đến tình trạng nay làm mai lại phá rất lãng phí. Bên cạnh đó, các địa phương phải xây dựng và ban hành chính sách kinh phí thoả đáng cho công tác bảo trì đường GTNT. Hiện nay, công tác này đã được quan tâm, nhưng chưa đúng mức, nên có những trường hợp xảy ra sập cầu, nhiều đường sá, cầu cống hư hỏng không được bảo dưỡng.
Thực tế hiện nay, lực lượng quản lý GTNT ở cấp cơ sở bộc lộ nhiều bất cập, nhất là tình trạng mới có cán bộ quản lý giao thông cấp huyện chứ chưa có cấp xã. Cán bộ xã kiêm nhiệm nhiều việc, nên GTNT ở cấp xã không có người quản lý. Vì thế, cần có cơ chế chính sách để bố trí bộ phận chuyên trách theo dõi, quản lý bảo dưỡng đường ở cấp xã. Cán bộ này sẽ chỉ cần làm nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, bảo dưỡng; còn việc thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng có thể huy động sức dân.
Việc phát triển GTNT hiện nay có một khó khăn nữa là những địa phương có nguồn thu tốt thì mức hỗ trợ của chính quyền thường cao, trong khi ở những địa phương khó khăn, cần đẩy mạnh phát triển GTNT, thì lại có nguồn thu thấp, nên mức hỗ trợ cũng hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GTVT đang xây dựng các đề án phát triển cầu đường nông thôn tại 50 tỉnh có đồng bào dân tộc, vùng khó khăn, bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ vốn ODA, từ thiện, huy động từ quỹ xã hội... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xây dựng các chương trình mục tiêu hướng về tỉnh nghèo để phát triển GTNT.
Tuy nhiên, hầu hết ý kiến của lãnh đạo các địa phương đều cho rằng: Qua thực tế kết quả hoàn thành GTNT giai đoạn 2010 – 2015, có thể thấy rõ, muốn tạo đột phá phát triển GTNT ở các địa phương, điều quan trọng nhất là người dân được bàn, được tham gia giám sát công trình và được biết mọi vấn đề liên quan đến tài chính. Phần lớn mạng lưới các đường liên thôn, ngõ xóm do dân tự thu, tự làm, giá thành đều thấp, nhưng chất lượng đảm bảo.