Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7):

Tạo niềm tin, truyền cảm hứng để thu hút đoàn viên, người lao động

Hơn 90 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Những năm gần đây, số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động Công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động... Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về thực trạng đội ngũ của cán bộ công đoàn hiện nay, những khó khăn, thách thức cũng như kế hoạch triển khai để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Xin ông cho biết, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” có ý nghĩa thế nào đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam?

Thứ nhất, Nghị quyết ra đời chính là cơ sở chính trị, pháp lý cho việc tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị của chúng ta cũng như việc hoàn thiện, ban hành những chính sách mới liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn.

Thứ hai, trên cơ sở của Nghị quyết, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các Cấp công đoàn sẽ xây dựng các kế hoạch để tổ chức hành động, tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới, trong điều kiện đất nước hội nhập sâu rộng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều tiêu chuẩn lao động quốc tế đã được nội luật hóa ở Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra những yêu cầu cũng như khát vọng dân tộc để đưa nước ta trở thành đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, rõ ràng Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đã tạo tiền đề để cho tổ chức Công đoàn cùng với cả dân tộc thực hiện khát vọng đưa đất nước Việt Nam phồn thịnh và hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Xin ông có thể chia sẻ thực trạng của cán bộ Công đoàn hiện nay như thế nào?

Sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, đội ngũ cán bộ Công đoàn Việt Nam đã phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ Công đoàn khá hùng hậu với gần 9.200 cán bộ công đoàn cả nước tính từ Tổ phó Công đoàn trở lên, trong đó có trên 7.600 cán bộ Công đoàn chuyên trách. Đây là một lực lượng rất lớn, đang hằng ngày đóng góp cho sự phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Ưu điểm chính của cán bộ Công đoàn hiện nay là đã có kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường và tư duy hội nhập, cũng như các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đặc biệt là kiến thức về pháp luật. Một bộ phận cán bộ Công đoàn tâm huyết, trách nhiệm với người lao động ngày đêm làm việc hăng say, gắn bó, nắm tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ công đoàn vẫn còn nặng, tư duy hành chính, vẫn làm Công đoàn theo cách cũ của thời bao cấp, chưa thực sự có trách nhiệm và gắn bó với cơ sở. Năng lực đối thoại và thương lượng của cán bộ Công đoàn hiện nay đã tiến bộ rất nhiều so với 5 hoặc 10 năm trước nhưng còn hạn chế với yêu cầu thực tiễn.

Một bộ phận cán bộ Công đoàn hiện nay vẫn còn nặng tư duy về hiếu hỷ, hát hò, trong khi vai trò của tổ chức Công đoàn trên thế giới là đối thoại và thương lượng. Đây chính là những những khiếm khuyết cần phải khắc phục trong tương lai. Đó cũng là lý do mà Đảng đã dành sự quan tâm rất lớn đến vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn trong tình hình mới.

Vậy xin ông cho biết, Đảng đã có những định hướng như thế nào đối với đội ngũ cán bộ Công đoàn?

Nội dung Nghị quyết 02 đã xác định rất rõ, là phải xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn đảm bảo về số lượng và chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có khả năng đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết về lao động.

Những nội dung đó cho thấy Đảng định hướng và đặt ra những yêu cầu rất cao đối với cán bộ Công đoàn trong bối cảnh mới; đó không chỉ là một cán bộ trong hệ thống đoàn thể mà phải thực sự là những người có kỹ năng thực tiễn và chuyên nghiệp trong hoạt động. Trong đó, điều rất quan trọng nhất là phải truyền cảm hứng để từ đó thu hút được đoàn viên và người lao động đến với tổ chức mình.  

Cán bộ Công đoàn phải như một biểu tượng của niềm tin để người lao động gắn bó với tổ chức Công đoàn. Đây là định hướng hết sức là đúng đắn, sát thực tế và cũng là yêu cầu rất cao đối với tổ chức Công đoàn trong giai đoạn hiện nay.

Thưa ông, từ thực tế đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tháo gỡ những vấn đề gì?

Nghị quyết 02 đã đặt ra yêu cầu rất cao, nhưng chúng tôi cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ Công đoàn đang nằm trong yêu cầu chung của đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, trong khi công đoàn lại có những yếu tố đặc thù.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn tuyển dụng cán bộ công đoàn theo cơ chế thi tuyển công chức hành chính, trong khi có rất nhiều cán bộ công đoàn giỏi ở các doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài gần như không có cơ hội về với tổ chức Công đoàn. Cơ chế tuyển dụng đội ngũ cán bộ Công đoàn phù hợp với thực tế chính là điều mà lâu nay tổ chức Công đoàn vẫn mong muốn.

Đội ngũ cán bộ Công đoàn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như vấn đề đình công, hay khi người lao động cần sự trợ giúp để ổn định cuộc sống. Đợt dịch COVID -19 đang bùng phát cho thấy cán Công đoàn ngày đêm lăn lộn, chia sẻ khó khăn với người lao động là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những vấn đề như liên quan đến chế độ, tiêu chuẩn hỗ trợ cho cán bộ Công đoàn cũng đang là việc cần quan tâm.

Xin ông cho biết, Tổng Liên đoàn đã có những chương trình, kế hoạch như thế nào để có thể thực hiện được định hướng mà Bộ Chính trị đã đề ra?

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết. Trước hết tập trung phối hợp với cấp ủy để tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn ở các địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn cán bộ Công đoàn, cố gắng tuyển được vào hệ thống những cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn về phong trào công nhân và người lao động.

Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung bồi dưỡng cán bộ theo vị trí việc làm, chuyên môn cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao kỹ năng vận động quần chúng, khả năng đối thoại, thương lượng và giải quyết các vấn đề thực tiễn của tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, đề xuất các chính sách đối với cán bộ Công đoàn để họ thực sự yên tâm công tác, gắn bó hết mình với tổ chức.

Sau khi thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp đó cùng sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ Công đoàn, tôi tin rằng trong bối cảnh mới chúng ta sẽ có được một đội ngũ cán bộ Công đoàn không chỉ đông về mặt số lượng, mà còn mạnh về chất lượng. Đó là những cán bộ tâm huyết, gắn bó với người lao động thực sự là chuyên nghiệp, làm việc ngày đêm, có khả năng dẫn dắt sự truyền cảm hứng, có tầm nhìn và tiếp cận được các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Bình/TTXVN (Thực hiện)
Công đoàn Việt Nam - Trung tâm tập hợp, đoàn kết của giai cấp công nhân và người lao động
Công đoàn Việt Nam - Trung tâm tập hợp, đoàn kết của giai cấp công nhân và người lao động

Hơn 90 năm hình thành và phát triển, sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN