Tấp nập ‘bán mang về’, bán online

Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại Hà Nội chỉ được bán mang về đang khiến nhiều chủ quán phải xoay sở bán online dù doanh thu sụt giảm. Còn tại Thành phố (TP) Hồ Chí Minh đang trong những ngày giãn cách xã  hội, nhiều chủ sạp hàng thúc đẩy bán trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch lan nhanh, một số chợ truyền thống, chợ đầu mối phải đóng cửa.

Chú thích ảnh
Chủ Cửa hàng Phở chuyên Bò ngõ Đặng Xuân Bảng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) chuẩn bị túi và bát đựng đồ ăn cho khách mang về nhà.

Đồng lòng tuân thủ

Ngay sau khi Hà Nội có văn bản hỏa tốc chỉ đạo cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang về, chị Nguyễn Lệ Linh, chủ quán phở chuyên bò (ngõ 77 Đặng Xuân Bảng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) khá trăn trở về việc nên tiếp tục bán hay tạm nghỉ. “Cách đây hơn 1 tháng, tôi đã phải nghỉ hàng vì nghĩ bán mang về, phở chan nước sẽ không ngon như khách đến ăn trực tiếp. Tuy nhiên dịch còn kéo dài, tôi thí điểm mô hình này xem sao. Tôi cũng đang tìm hiểu các App công nghệ bán hàng. Bước đầu bán online, doanh thu cửa hàng chấp nhận giảm 50 - 60% nhưng phải chuyển mình để giữ khách”, chị Nguyễn Lệ Linh cho biết.

Chú thích ảnh
Nhiều cửa hàng phải tăng tốc giao dịch online để duy trì kinh doanh trong bối cảnh COVID-19 kéo dài.

Chủ một quán cơm ở khu chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) chia sẻ: Hiện cửa hàng vẫn cung cấp suất ăn cho khách mang về, doanh thu sụt giảm nhưng vẫn phải duy trì để trả tiền thuê mặt bằng và giữ chân nhân viên.  

Chú thích ảnh
Quán Tây Bắc quảng cáo các thực đơn để mời chào khách hàng đặt đồ thưởng thức tại nhà.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 13/7, chủ quán Tây Bắc, chị Vũ Thanh Hương (số 12 Lê Văn Hưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trải lòng: 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát, quán vẫn cầm cự bán. Khi có chỉ thị ngừng phục vụ khách ăn tại chỗ, Tây Bắc lại xoay sở bán online. “Khó khăn chồng khó khăn, quán đã phải cho nghỉ nhân viên bếp, thay vào đó chủ quán trực tiếp nấu để tiết giảm chi phí. Lương nhân viên phục vụ phải cắt giảm 1/2; doanh số bánh hàng online vào trưa 13/7 sụt giảm 80% so với trước nhưng là khó khăn chung của tất cả mọi người trong bối cảnh dịch lan mạnh, nên chúng tôi chấp nhận để duy trì cửa hàng”, chị Vũ Thanh Hương chia sẻ.

Dù gặp nhiều khó khăn, hàng hóa bán chậm nhưng việc linh hoạt mô hình kinh doannh tại các cơ sở nhỏ lẻ vẫn khá thuận lợi so với nhà hàng lớn. Tại Nhà hàng Nắng Sông Hồng (306A, phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội), chị Vũ Thanh Nga, quản lý bán hàng cho biết: Với mặt bằng rộng có sức chứa vài trăm khách nên nhà hàng bị tác động mạnh khi dịch COVID-19 bùng phát. Các dịch vụ tiệc không có đơn trong mấy tháng nay. Từ ngày 13/7, các nhà hàng chỉ được bán mang về, Nắng Sông Hồng phải ngừng hoạt động, các nhân viên phục vụ nghỉ đồng loạt.

“Lượng hàng bán giảm nhiều. So với trước đây có lẽ chỉ được khoảng 1/4. Quán bình thường có 8 nhân viên, nhưng giờ cho về quê hơn một nửa. Cửa hàng bán mang về nhưng mặt bằng vẫn phải trả tiền thuê”, chủ quán miến lươn nổi tiếng trên phố Tuệ Tĩnh, Hà Nội cho biết. Tuy nhiên, dù khó khăn, tất cả các cửa hàng đều đồng lòng thực hiện yêu cầu của thành phố vì sức khỏe của toàn dân.

Còn tại TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhiều chợ truyền thống, chợ đầu mối phải đóng cửa để phòng dịch nên nhiều chủ sạp hàng phải chuyển sang bán hàng trực tuyến. 

Chú thích ảnh
Cửa hàng bánh ngọt trên phố Lê Đại Hành bán hàng cho khách.

Hơn 5 năm bán thịt gia cầm ở chợ Phước Long B, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), chị Lê Thị Hạnh, phường Phước Long B cho biết: Từ khi dịch bệnh lần thứ 4 xuất hiện, mọi kinh doanh, hoạt động buôn bán của tiểu thương tại chợ giảm sút. Để có thể kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch siết chặt, tiểu thương tại chợ truyền thống đã chuyển đổi, tích cực bán online, chấp nhận thanh toán qua ví điện tử. Việc làm này đang giúp tiểu thương kết nối với bạn hàng, tìm kiếm thêm khách hàng, duy trì kinh doanh.

Chú thích ảnh
Nhân viên bán hàng tranh thủ giao hàng miễn phí cho khách trong vòng bán kính 600 m.

Trung bình 1 ngày tại chợ truyền thống, chị Hạnh bán được khoảng 300 - 500 con gà thịt, chim bồ câu, còn trên các trang mạng xã hội Zalo, Face book… chị bán được khoảng 100 - 120 con/ngày. Tuy nhiên, từ khi TP. Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16, chợ tạm đóng nên chị Hạnh càng phải thúc đẩy bán hàng trực tuyến nhiều hơn. “Cũng nhờ có nhiều khách quen; đồng thời bán hàng trực tuyến trước đó, mỗi ngày tôi cũng bán được khoảng 200 - 300 con gà và chim bồ câu. Khi bán trên trang mạng tôi sẽ phải mất thêm chi phí khâu vận chuyển, phần chi phí này tôi thường nói khách hàng chia sẻ cùng mới đảm bảo chút lãi”, chị Hạnh phân trần.

Chú thích ảnh
Ban Quản lý chợ lập fanpage trên mạng xã hội để tiểu thương và người mua có thể kết nối mua, bán hàng

Tương tự, chị Nguyễn Thùy Dương, chủ sạp rau, củ quả tại chợ đầu mối Thủ Đức, thành phố Thủ Đức đã bán online 4 tháng qua nhưng lượng khách trên các trang bán hàng trực tuyến không cao bằng chợ truyền thống. Mới đây, chợ đầu mối Thủ Đức phải đóng cửa, chị Dương đành phải chuyển sang bán hàng trực tuyến và nhận tiền chuyển khoản. 

Theo chị Dương, từ khi giãn cách, doanh thu bán hàng giảm 2/3 so với bán truyền thống, còn khách hàng qua mạng xã hội tăng hơn. Tuy nhiên, theo chị Dương, mỗi kg rau xanh khi bán chỉ được lãi 5.000 - 10.000 đồng, nếu bán qua mạng, giao trực tiếp cho khách sẽ mất thêm một khoản chi phí vận chuyển. Ngoài ra, mặt hàng rau xanh khó bảo quản và đi đường xa cũng dễ bị dập nát, khi giao hàng tận nơi cũng khó bảo quản và tốn kém khi đóng gói.

Kết nối bán hàng qua mạng

Chú thích ảnh
Khách hàng vào mua trà sữa để mang về nhà thưởng thức.

“Ngày càng nhiều tiểu thương đã chuyển từ thụ động chờ khách hỏi mua, sang tìm kiếm khách hàng. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, các mặt hàng bánh kẹo, mứt, gia vị đều được các tiểu thương bán qua Zalo hoặc mạng xã hội để tăng thêm thu nhập. Đây là hình thức mới đối với tiểu thương nhưng giúp họ tiết giảm nhiều chi phí thuê sạp, thuê cửa hàng, đáp ứng được quy định phòng dịch”, bà Lê Thị Thuỷ, Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Tây, Quận 6, TP Hồ Chí Minh cho biết. 

 

Mới đây, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đưa vào hoạt động trang web về nông sản, thực phẩm thiết yếu để người dân đặt hàng trong mùa dịch. Để giới thiệu hàng hóa trên trang web này, doanh nghiệp phải đăng kí hoạt động kinh doanh, hàng hóa đúng nguồn gốc xuất xứ…Trang website có tên miền là: https://nongsan.congthuong.hochiminhcity.gov.vn, chuyên cung cấp cho người dân các địa chỉ mua sắm mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu.

Chú thích ảnh
Bài và ảnh: M.Phuong-T.Tuyết/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 tuần 5-11/7: Sau TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Tổng hợp COVID-19 tuần 5-11/7: Sau TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Trong tuần từ 5-11/7, TP Hồ Chí Minh vẫn là “điểm nóng” khi số ca mắc COVID-19 vượt 1.000 ca/ngày. Sau khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều địa phương khác như Long An, Cần Thơ, Tiền Giang… cũng áp dụng Chỉ thị 16 ở một số địa phương. Do TP Hồ Chí Minh là “điểm nóng” nên người từ TP Hồ Chí Minh đi 62 địa phương khác phải tự cách ly 7 ngày, xét nghiệm 3 lần…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN