Tây Nguyên gồm các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông với tổng diện tích tự nhiên trên 54,7 ngàn km2, trên 5,3 triệu người của 54 dân tộc cùng chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 36%.
Trong mấy năm qua, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chính sách đặc thù đối với vùng Tây Nguyên nhằm tạo điều kiện cho các địa phương từng bước vươn lên (XĐGN) bền vững, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Việt Hùng (ảnh), Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về các giải pháp tích cực trong công tác XĐGN bền vững của vùng Tây Nguyên.
Xin đồng chí cho biết các giải pháp tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo của vùng Tây Nguyên trong thời gian qua?
Thực hiện công tác này, điều đầu tiên được quan tâm ưu tiên là làm thế nào để có vốn hỗ trợ cho người nghèo đầu tư vào sản xuất. Để giải quyết vấn đề này, các địa phương vùng Tây Nguyên đã tích cực, chủ động huy động nhiều nguồn vốn, trong đó chủ yếu là vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Chính phủ và các chương trình dự án vay vốn hỗ trợ ODA dành cho các công tác hỗ trợ XĐGN. Các nguồn vốn này đã được đưa đến người dân thông qua các kênh như Ngân hàng chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại, các chương trình dự án, các hoạt động tín dụng vi mô do hội phụ nữ và nông dân quản lý. Bằng cách này đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi. Tuy nhiên thực tế người dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vì nhiều lý do. Các chương trình hỗ trợ vốn, tín dụng cần cấp thiết cải thiện tính hiệu quả trong hoạt động và khả năng tiếp cận của người nghèo.
Cà phê là cây chủ lực của vùng Tây Nguyên. Ảnh: V.Tôn |
Các hoạt động xã hội, tương trợ trong cộng đồng, từ các đơn vị hảo tâm, doanh nghiệp, quần chúng hỗ trợ về cây, con giống, vật tư, máy móc công cụ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho những nơi khó khăn để phát triển sản xuất, ổn định đời sống đã có những đóng góp tích cực. Tính trung bình, mỗi năm, các tỉnh Tây Nguyên huy động từ tất cả các nguồn khoảng trên 1.200 tỷ đồng phục vụ trực tiếp cho công tác XĐGN.
Từ nay đến năm 2015, các tỉnh vùng Tây Nguyên cần tập trung giải quyết căn bản vấn đề đất đai, ưu tiên giải quyết đủ đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS thiếu đất, bảo đảm cho đồng bào làm chủ được mảnh đất của mình. |
Hỗ trợ trong các hoạt động sản xuất trực tiếp là một trọng tâm trong công tác XĐGN. Các địa phương cũng quan tâm xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với đất đai, hạ tầng, tập quán của người dân ở từng địa bàn nông thôn, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao vào các thôn, buôn, bon làng để thay thế dần các cây con truyền thống năng suất thấp. Xây dựng nhiều mô hình liên kết làm ăn giữa người dân với doanh nghiệp trên cơ sở đất đai, lao động của dân và sự đầu tư về vốn, kỹ thuật, xây dựng các mô hình canh tác, đào tạo kỹ năng sản xuất, bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp.
Các cấp chính quyền cùng cơ quan nông nghiệp thường xuyên phối hợp xây dựng các năng lực hỗ trợ sản xuất cho người nghèo để họ có thể được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, mạng lưới thu mua. Hiện nay, ở Tây Nguyên đã cơ bản hình thành được mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm đến tận xã. Đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm do ngành nông nghiệp quản lý, được Nhà nước trả lương để làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân trồng trọt, chăn nuôi theo đúng kỹ thuật, thời vụ. Chính từ sự hướng dẫn này đã làm cho người dân thay đổi tập quán, ngày càng có kiến thức và kỹ năng về sản xuất hàng hóa.
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Việc tái định cư cho người dân chưa đạt yêu cầu Khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình quốc gia, người dân luôn vui lòng ủng hộ chủ trương của cấp trên. Với mục tiêu làm sao phải giải quyết được đất ở, đất sản xuất, tái định cư cho người dân khi đến nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ thì chưa đạt yêu cầu. Có chỗ đáp ứng được đất sản xuất nhưng lại không đáp ứng được đất ở; có nơi đáp ứng được đất ở nhưng không đáp ứng được đất sản xuất, vì ở những nơi đó đất bạc màu. Ông Tống Thanh Bình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu: Việc kéo dài QĐ 134 là rất cần thiết Lai Châu có địa hình đồi núi hiểm trở, đất đai rộng, song chủ yếu là đất sông suối và núi đá, đất sản xuất hạn hẹp. Địa bàn rộng, dân cư sinh sống phân tán, giao thông đi lại khó khăn, việc đầu tư gặp nhiều khó khăn, định suất đầu tư lớn. Hơn nữa, Lai Châu lại là một trong những tỉnh nghèo, thu ngân sách trên địa bàn thấp, phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương. Do vậy, việc ban hành chính sách hỗ trợ đất ở đất sản xuất, nước sinh hoạt giai đoạn 2013 - 2015 theo Quyết định số 755/QĐ-TTg (Chương trình 134 kéo dài) là rất cần thiết, tạo điều kiện giúp bà con các dân tộc Lai Châu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, ổn định cuộc sống. Qua đó, đã tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Ông Đinh Ngọc Hải (Ban dân tộc tỉnh Hà Giang): Đất sản xuất vẫn chưa được đáp ứng Toàn tỉnh Hà Giang có gần 20.000 hộ nghèo theo tiêu chuẩn của chương trình 134. Người dân vùng cao sinh sống rải rác nên đất ở cơ bản không thiếu, nhưng đất sản xuất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiếu của nhân dân do địa hình chia cắt phức tạp, nhiều đá, ít đất, thiếu nước…Với tỷ lệ lao động nông thôn chiếm hơn 90% dân số, tỉnh Hà Giang hiện đang thiếu khoảng 2.000 ha đất nông nghiệp. Nguồn vốn Trung ương cấp hàng năm cho tỉnh để triển khai thực hiện các dự án còn chậm và thiếu nhiều so với kế hoạch. Bên cạnh đó cán bộ làm công tác dân tộc thường xuyên thay đổi, còn hạn chế về chuyên môn và chưa nhiều kinh nghiệm nên kết quả còn hạn chế. Hình thức hỗ trợ kinh phí cho các hộ nghèo cũng nên xem xét lại. Hiện nay, hộ đông nhân khẩu và hộ ít nhân khẩu đều được nhận kinh phí hỗ trợ ngang. Chính phủ nên hỗ trợ kinh phí theo diện tích sản xuất (ha), như vậy sẽ công bằng hơn. Trong thời gian tới, để chương trình đem lại hiểu quả cao, đề nghị Trung ương cần bổ trí nguồn vốn kịp thời và tập trung hơn để tỉnh Hà Giang thực hiện đề án theo đúng tiến độ và kế hoạch đã được phê duyệt. V.Tôn - Minh Chí - Đỗ Bình |
Thông qua đầu tư của Nhà nước, các địa phương vùng Tây Nguyên cũng đã tập trung giải quyết có kết quả vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, hạ tầng nông thôn cho người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Bằng nguồn vốn Nhà nước là chủ yếu, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã giải quyết giao mới được trên 35.000 ha đất sản xuất, hỗ trợ làm mới, sửa chữa được gần 100.000 căn nhà. Về cơ bản đã giải quyết được nhu cầu cấp bách về đất sản xuất ở nhiều địa phương và đã xóa trên 92% số nhà tạm, nhà dột nát trong vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Bình quân mỗi năm, các tỉnh Tây Nguyên đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn. Nhờ vậy, hiện nay, hệ thống đường giao thông nông thôn đã thông suốt đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, trên 90% số thôn, bon, buôn làng có điện lưới quốc gia, có nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng, khoảng 65% số hộ nông thôn được dùng nước sạch...
Vấn đề giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS được ưu tiên. Hàng chục vạn lao động là đồng bào DTTS đã được các nông, lâm trường cũng thu hút vào làm công nhân, nhận khoán, quản lý bảo vệ hàng trăm ngàn ha rừng. Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng đã có nhiều chủ trương, giải pháp tổ chức lồng ghép các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống đồng bào.
Đến cuối năm 2012, các tỉnh Tây Nguyên đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15% (giảm 3,18% so với năm trước), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn khoảng 33%, giảm 4,76% so cùng kỳ.
Xin đồng chí cho biết những giải pháp giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.
Tỷ lệ hộ nghèo ở Tây Nguyên tuy giảm nhanh, nhưng vẫn còn ở mức cao, nhất là trong đồng bào DTTS. Sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, tầng lớp dân cư ngày một tăng, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, XĐGN tuy đã được chú trọng nhưng hiệu quả chưa cao. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS còn chậm.
Để vấn đề XĐGN trong thời gian tới đạt được kết quả cao và bền vững cần phải tiếp tục duy trì các trọng tâm hỗ trợ đã thực hiện trước đây nhưng điều quan trọng cấp thiết là nâng cao hiệu quả thực hiện. Chính sách giảm nghèo cho đồng bào DTTS cần tách biệt các nhóm nghèo riêng biệt. Người nghèo các DTTS tại chỗ là đối tượng cần được quan tâm ở Tây Nguyên.
Tiếp tục hỗ trợ cải thiện nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo. Đặc biệt chú trọng tính hiệu quả của các chương trình hoạt động tín dụng cho người nghèo và khả năng tiếp cận vốn của họ. Nâng cao vai trò của cộng đồng, hội phụ nữ, nông dân trong hoạt động tín dụng để người nghèo dễ dàng tiếp cận vốn và sử dụng vốn hiệu quả.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương vùng Tây Nguyên tăng cường hơn nữa quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, bao gồm cả quy hoạch, quản lý, sử dụng, thực hiện tốt chính sách đất đai, đảm bảo sử dụng đất phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đồng thời đảm bảo không gian sinh sống của đồng bào DTTS tại chỗ.
Tăng cường công tác đào tạo tay nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên nguồn vốn đào tạo nghề cho lao động nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Củng cố hoạt động khuyến nông khuyến lâm ở cơ sở để người nghèo tiếp cận được các tiến bộ trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Nâng cao năng lực và ngân sách hoạt động hỗ trợ của đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm. Huy động các nguồn lực khác từ doanh nghiệp, các chương trình hỗ trợ để cải thiện công tác đào tạo tập huấn cho người dân nói chung và người nghèo DTTS nói riêng. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các vùng sinh thái đặc thù, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp.
Nâng cao chất lượng công tác định canh, định cư cho đồng bào DTTS tại chỗ, giải quyết tốt vấn đề dân di cư đến ngoài kế hoạch ở cả nơi đi và nơi đến để đến năm 2015 ổn định các thôn, bon, buôn làng, cụm dân cư, đưa các vùng dân di cư đến ngoài kế hoạch hòa nhập với sự phát triển của Tây Nguyên.
Xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng, hình thành hệ thống quản lý rừng theo hình thức lâm nghiệp cộng đồng trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng, ưu tiên cho đồng bào DTTS nghèo. Huy động tối đa các nguồn lực của cộng đồng xã hội đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, lồng ghép tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, phát huy tinh thần tự lực của người dân để vươn lên giảm nghèo.
Tăng cường vai trò doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp thật sự làm “bà đỡ”, liên kết với người dân.
Các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm đầu tư phát triển các ngành dịch vụ nông nghiệp ở các thôn, bon, buôn làng, khôi phục các ngành nghề thủ công truyền thống, gắn với việc hình thành các tour du lịch làng nghề ở những nơi có điều kiện. Kết hợp hỗ trợ với tuyên truyên truyền giúp đồng bào giảm việc làm nông nghiệp, tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Đầu tư hơn nữa và hiệu quả hơn cho công tác phát triển hạ tầng nông thôn, bảo đảm tất cả các xã, thôn, bon, buôn làng có đường giao thông kiên cố đi lại trong cả hai mùa, có điện, hệ thống cấp nước, trường học, trạm xá, bưu điện văn hóa xã và các cơ sở dịch vụ thiết yếu khác.
Tăng cường hỗ trợ bảo tồn và xây dựng cộng đồng văn hóa truyền thống duy trì các hoạt động văn hóa truyền thống, tăng cường tính liên kết cộng đồng trong đồng bào DTTS. Từ đó hỗ trợ cho hoạt động cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống và cải thiện đời sống tinh thần.
Mục tiêu hoạt động xóa đói giảm nghèo là đến năm 2015, các tỉnh Tây Nguyên giảm số hộ nghèo xuống còn khoảng 3%, đối với đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống còn 7 đến 8%.
Xin cảm ơn đồng chí.
Quang Huy (Thực hiện)