Tết ấm lòng của những bệnh nhân chạy thận

Không khí đón Tết Bính Thân 2016 đã ngập tràn trên từng nẻo đường, mọi người ai cũng tất bật mua sắm, sửa sang nhà cửa để đón chào năm mới. Vậy nhưng, bên cạnh đó còn có nhiều người còn vất vả chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo.

Ghé vào ngõ 121 đường Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chúng tôi đến gặp những bệnh nhân chạy thận phải bám trụ lại Thủ đô chữa bệnh và đón Tết xa nhà. Không biết từ khi nào con ngõ nhỏ này được gọi là "Xóm chạy thận", với những căn nhà sập sệ, cùng nhiều mảnh đời khác nhau cả về văn hóa, vùng miền nhưng cùng có điểm chung là mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo - bị suy thận nặng và họ đang sống gần gũi, dựa vào nhau lúc này.

Những bệnh nhân chạy thận ở Hà Nội. Ảnh: vtc.vn



Người dân xóm nghèo nơi đây thường tập trung tại giữa xóm, một địa điểm được gọi là “gốc tre” để động viên nhau đi qua khó khăn, để cùng thưởng thức những chương trình văn nghệ do các nhóm tình nguyện tổ chức. Năm nay, cạnh "gốc tre" có thêm một cành đào rực rỡ khoe sắc. Cành đào này do một nhà hảo tâm tặng xóm để giúp những bệnh nhân chạy thận năm nay không thể về quê ăn Tết nhưng vẫn cảm nhận được sự ấm áp của mùa xuân, không khí Tết đang về. Đó cũng là sự động viên tinh thần to lớn với người dân xóm chạy thận, giúp họ vui vẻ, phấn khởi, lạc quan để chống chọi với bệnh tật, vui đón Xuân Bính Thân này.

Bà Hạnh một bệnh nhân ở xóm chạy thận chia sẻ: Những năm trước, Tết đến để có không khí Tết bà con trong xóm chỉ cắm một cành đào giả thôi, tiền ăn, tiền thuốc bệnh, thuốc bổ chẳng có thì nói gì đến việc mua hoa đào thật để cắm. Anh Mai Anh Tuấn, trưởng xóm cho biết, xóm chạy thận có 133 bệnh nhân, năm nay có 61 bệnh nhân ở lại Hà Nội chữa trị, không có điều kiện để về quê sum họp cùng gia đình. Bao nhiêu năm nay, việc đón Tết đối với những người trong xóm chạy thận không trọn vẹn bởi căn bệnh quái ác đã vắt kiệt của họ cả sức khỏe lẫn kinh tế.

Không chỉ có cành đào, Tết này cư dân xóm chạy thận còn nhận được từ các nhà hảo tâm bánh mứt kẹo, bánh chưng xanh cùng quần áo khăn mũ len giúp mọi người ấm áp hơn trong những ngày giá rét này. Bà Hạnh, một bệnh nhân lâu năm trong xóm không khỏi vui mừng bởi năm nay, trong căn phòng nhỏ của bà có thêm chiếc tủ lạnh, bộ xoong nồi do một nhà hảo tâm tặng. Chiếc tủ, bộ nồi không mới nhưng nhờ nó, cuộc sống sinh hoạt của bà bớt vất vả hơn nhiều.

Năm nay, Bệnh Viện Bạch Mai tổ chức lịch chạy thận cả 3 ngày Tết, khác với lịch các năm trước. Những bệnh nhân có ca chạy thận vào mùng 1 phải ở lại. Bà Bùi Thị Luyện là một trong số những bệnh nhân như thế.

Bà Bùi Thị Luyện (quê ở Hòa Bình) là người đã chạy thận 15 năm. Bà bảo, đã mấy năm rồi bà không về quê đón Tết. Năm nay cũng thế, bà vẫn ở lại đây với người bạn cùng phòng là cô Huyền (62 tuổi, quê Hải Dương) để tiếp tục hành trình chạy thận giữa những ngày đầu năm. Đã 72 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều, bà Luyện không đủ sức để trở về trên những chuyến xe đông nghịt người cùng chặng đường xa xôi về Hòa Bình. Ở xa nhưng lòng không nguôi nhớ con, nhớ cháu, từ sáng sớm bà đã thuê xe ôm đi mua cho 4 cô cháu gái vài bộ quần áo làm quà gửi về.

Vừa phải chạy thận, cô Hoàng Thị Huệ (quê Lạng Sơn) vừa phải điều trị căn bệnh ung thư vú quái ác nay đã di căn lên não. Một thân một mình chữa chạy ở xóm đã 5 năm, cô Huệ bùi ngùi chia sẻ: “Mắc tận hai căn bệnh nên tôi yếu lắm, cứ cố gắng sống vui vẻ được ngày nào hay ngày đấy thôi”. Gần đây, thời tiết giá rét khắc nghiệt, sức khỏe suy giảm nên cô đành gọi về quê nhờ gửi đứa con mới 10 tuổi và gọi chồng xuống Hà Nội chăm sóc mấy ngày Tết.

May mắn hơn những bà Luyện, cô Huyền, cô Huệ, vợ chồng bà Dương Thị Hoài và ông Dương Xuân Chiên (quê ở Nam Định) may mắn hơn được về quê 2 ngày Tết. Bà Hoài tâm sự: “Năm nay, con trai tôi đưa gia đình từ Gia Lai về quê cùng bố mẹ nên bọn tôi cũng gắng về ít hôm để gặp con, gặp cháu”. Bà Hoài có lịch chạy thân vào hôm 28 Tết, sáng 29 hai vợ chồng mới lên xe về quê. Ở chơi với con cái được 1 hôm, mùng 2 Tết bà lại lên Hà Nội tiếp tục chạy thận. Hành trình vất vả nhưng chỉ cần được sum vầy cùng con cháu những ngày Tết, vợ chồng bà chỉ nghĩ đến đã ánh lên niềm vui.

Năm nay, xóm chạy thận lại tiễn nhiều người ra đi, bà Luyện ngậm ngùi chia sẻ. Căn bệnh quái ác này như một án tù chung thân mà ta không nắm bắt được điểm dừng. Không khí ảm đảm bao trùm xóm nhỏ nên năm nay, những người ở lại không tổ chức tiệc tất niên như các năm trước.

Năm hết Tến đến, để sẻ chia với hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân xóm thận, nhiều cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà đến các bệnh nhân trong xóm. Những món quà thiết yếu như gạo, muối, nước mắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng... đã làm ấm được phần nào cái Tết nơi đất khách quê người của những số phận khốn khổ. Món quà không lớn nhưng làm vơi đi những giọt nước mắt của những con người bất hạnh nơi đây.


Chùa Linh Quang (thuộc phường Thanh Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) tổ chức cho những mảnh đời cô đơn cùng nhau đón Tết tại chùa từ ngày 25 tháng Chạp đến ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hoàn toàn miễn phí. Những tấm vé mời cũng đến tận tay các bệnh nhân của xóm chạy thận. Bà Luyện cho hay có cơ hội bà sẽ ghé qua đây để xem không khí Tết khi những mảnh đời đáng thương được gặp và san sẻ cùng nhau.

Nắn nót chép từng dòng chữ “Nam mô A di đà Phật” vào cuốn vở do nhà chùa phát, chị Huyền bảo, chị tranh thủ chép kinh mấy ngày Tết để đi tìm cảm giác tĩnh tâm. Những dòng chữ đều tăm tắp dần hiện ra theo từng nét bút của chị. Tết này bận bịu việc gì đó chị cũng thấy vui hơn.

Căn bệnh quái ác chưa bao giờ dập tắt được niềm yêu đời và vui sống của các bệnh nhân nơi đây. Dù bệnh nặng, nụ cười chẳng bao giờ tắt trên gương mặt họ. Bà Hoài vui vẻ bảo: “Trong lòng dù buồn nhưng cứ tếu táo đi sống cho nhẹ nhàng chứ ai biết được ngày mai ra sao”.

Lại một năm mới sắp đến, những bệnh nhân vẫn miệt mài chống chọi với bệnh tật. Nhưng họ vẫn sống giữa tình thương, sự sẻ chia của toàn xã hội. Họ không cô đơn giữa những ngày Tết đang về.



Hà An – Mai Linh (TTXVN)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN