Nói đến Tết cổ truyền là nói về ý nghĩa đoàn viên, gia đình sum họp, tưởng nhớ tổ tiên. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và bùng phát tại nhiều địa phương vào dịp đầu năm 2022 thì cái Tết Nhâm Dần có những điều khác biệt đối với hàng triệu người lao động di cư tại Việt Nam. Nước ta bước vào mùa Xuân năm nay với khái niệm Tết đoàn viên song hành cùng Tết xa quê.
Tạo điều kiện cho người dân về quê
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 56 triệu người đang trong độ tuổi lao động, trong đó lao động di cư nội địa là khoảng 6,4 triệu người.
Độ tuổi phổ biến của người di cư là từ 20-39 tuổi, chiếm 61,8% tổng số người di cư. Đây cũng chính là nhóm tuổi trẻ, nhóm tuổi tham gia chính vào lực lượng lao động, có xu hướng đi xa, chấp nhận thử thách để thay đổi môi trường sống cũng như tìm kiếm các cơ hội việc làm với mong muốn nâng cao chất lượng sống. Đến nay, yếu tố di cư đã góp phần làm dân số khu vực thành thị tăng thêm hơn 1,2 triệu người, chiếm 3,5% dân số thành thị.
Xu hướng số lượng người di cư trong nước bắt đầu tăng nhanh từ năm 1999, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Hệ quả là sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút lượng lớn lao động di cư. Sự chuyển dịch cơ hội việc làm về khu vực thành thị được cho là nhân tố quan trọng nhất quyết định xu hướng di cư nội địa về khu vực thành thị để tìm kiếm công ăn việc làm. Đông Nam Bộ và Hà Nội (cùng các tỉnh, thành phố gần Thủ đô) là nơi thu hút lao động nhập cư nhiều nhất.
Có đông người lao động di cư nội địa cũng đồng nghĩa với việc vào dịp Tết cổ truyền hằng năm có nhiều triệu người ồ ạt rời các khu công nghiệp, các thành phố lớn để về quê. Điều này tạo ra nhiều vấn đề về năng lực vận chuyển, an toàn giao thông, vệ sinh dịch tễ, an sinh xã hội…, đặc biệt trong điều kiện có dịch COVID-19.
Nhằm tạo điều kiện để nhân dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW và Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 35/CT-TTg. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải tập trung nỗ lực cao nhất, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong cả nước.
Tập trung cao độ để chống dịch không có nghĩa là không tạo điều kiện để người lao động xa quê về nhà đón Tết theo tập quán, văn hóa của dân tộc.
Trong công điện ngày 19/1 về việc đẩy nhanh hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19; bảo đảm an toàn, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là khi về quê ăn Tết.
Thủ tướng yêu cầu Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính (như xét nghiệm, cách ly…) liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân bảo đảm tính khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết.
Ngày 27/1, Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc tăng cường phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị triển khai các giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện nghiêm công văn số 375 của Bộ Y tế, "tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết, không ngăn sông cấm chợ, tổ chức chăm lo cho người dân đón Tết, vận động người dân trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ, nhất là việc hỗ trợ người lao động trở lại thành phố lớn đảm bảo an toàn, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội".
Bộ Y tế cho biết, việc người dân được tạo điều kiện về quê ăn Tết và không phải cách ly y tế là dựa trên cơ sở việc tiêm chủng vaccine ở Việt Nam đạt tỷ lệ cao - một mũi với người trên 18 tuổi đạt 100%, hai mũi đạt 95,6%, ba mũi đạt 18,6%; trẻ em (12-17 tuổi) được tiêm mũi một đạt 94,1%, mũi hai đạt 82,2%.
Trong hai ngày 27-28/1, Hãng Hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) chở miễn phí 540 người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Các chuyến bay được khai thác bằng máy bay Airbus A321, có hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nội, Vinh và Đà Nẵng. Hoạt động này nằm trong chương trình “Mang Tết về nhà” năm 2022 được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nhãn hàng PEPSI thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam phối hợp tổ chức, với sự đồng hành vận chuyển của Vietnam Airlines.
Từ ngày cúng ông Công ông Táo đến ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội hỗ trợ trên 2.000 chuyến xe cho người lao động gặp khó khăn, nữ công nhân mang thai, nuôi con nhỏ về quê đón Tết với các điểm cuối là Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc.
Đó là hai trong rất nhiều chương trình hỗ trợ người lao động về quê đón Tết từ phía các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương được thực hiện trong thời gian qua.
Tết ấm áp cho người ở lại
Theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, cả nước có hơn 1 triệu lao động sẽ đón Tết Nhâm Dần 2022 xa quê, tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, thành phố lớn.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số người lao động ngoại tỉnh ở lại thành phố đón Tết Nhâm Dần tăng 30% so với mọi năm với khoảng 420.000 người. Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình "Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng thành phố". Chương trình được tổ chức riêng cho 10.000 gia đình đoàn viên (gồm vợ, chồng, con) tiêu biểu ở lại thành phố đón xuân, tham quan, vui chơi giải trí tại Công viên Văn hóa Đầm Sen. Liên đoàn Lao động thành phố cũng sẽ tổ chức chương trình "Tết sum vầy" năm 2022 cấp thành phố với sự có mặt của 10.000 gia đình đoàn viên, công nhân ngoại tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết.
Tại Bình Dương có tới 500.000 lao động, trong đó có gần 24.000 người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sẽ không về quê đón Tết. Liên đoàn Lao động tỉnh đã phát động chương trình "Tết ấm áp cùng gia đình công nhân có người thân tử vong do COVID-19". Đối tượng được hỗ trợ là các gia đình đoàn viên công đoàn có người thân tử vong do COVID-19, hoàn cảnh khó khăn và ở lại Bình Dương đón Tết Nguyên đán 2022. Hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt 5 triệu đồng/gia đình hoặc thông qua việc trang trí, dọn dẹp phòng trọ; mua sắm, lắp đặt trang thiết bị; trang trí Tết cho khoảng 50 căn phòng trọ. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ tặng quà cho 23.950 người, mỗi suất 500.000 đồng, tổng số tiền gần 12 tỷ đồng nhằm kịp thời chia sẻ, động viên đoàn viên công đoàn, người lao động xa quê vượt qua khó khăn, an tâm gắn bó với doanh nghiệp và làm việc lâu dài tại Bình Dương.
Đồng Nai dự kiến sẽ có một lượng lớn trong số khoảng 700.000 lao động ngoại tỉnh lựa chọn phương án không về quê đón Tết. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, các cấp công đoàn tỉnh đã chuẩn bị các hoạt động sẵn sàng chăm lo Tết chu đáo, an toàn cho đoàn viên, người lao động. Các phần quà Tết sẽ tăng hơn so với mọi năm nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động, đặc biệt là lao động xa quê bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đối với những người lao động không về đón Tết với gia đình, theo kế hoạch, các cấp công đoàn sẽ tổ chức chương trình trực tuyến Tết sum vầy - Xuân bình an và các hoạt động họp mặt, thăm, tặng quà động viên, chúc Tết đoàn viên, người lao động.
Để động viên người lao động chịu nhiều tác động của dịch bệnh, đặc biệt là những người không thể về quê hương đoàn tụ với gia đình vào dịp Tết, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định sử dụng tối đa nguồn tích lũy tài chính công đoàn 4 cấp để đảm bảo chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động. Theo đó, đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp (đủ các điều kiện theo quy định của Tổng Liên đoàn) sẽ nhận mức hỗ trợ thấp nhất là 300.000 đồng/người.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Mạnh Kiên, 100% liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành ở trung ương và cấp tương đương đã có kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động. Từ đầu tháng 1/2022, các cấp công đoàn bắt đầu tổ chức Chương trình "Tết sum vầy - Xuân bình an" tập trung ở cơ sở và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, doanh nghiệp có đông người lao động phù hợp với diễn biến dịch COVID-19.