Thông qua hoạt động thả cá phóng sinh, Ban tổ chức kết hợp việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường bằng thông điệp “thả cá, không xả rác xuống lòng sông”; đồng thời, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Tại các điểm thả cá tiễn ông Công, ông Táo về trời, các tình nguyện viên thường xuyên túc trực để hướng dẫn người dân, thu gom và phân loại rác thải. Cùng với việc thu gom túi nylon và vật phế thải từ bát hương, ban thờ cũ hỏng, Ban Trị sự giáo hội Phật giáo còn phối hợp với ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang để phát miễn phí cho người dân; nhắc nhở người đến phóng sinh cá chép thực hiện nghiêm các biện pháp để phòng, chống dịch; vận động, tuyên truyền nhân dân không đánh bắt cá phóng sinh dưới mọi hình thức.
Đại đức Thích Thanh Phúc, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, các tăng ni, phật tử luôn tâm nguyện cầu chúc cho nhân dân cả nước nói chung và người dân Tuyên Quang nói riêng bình an, vững vàng vượt mọi khó khăn, chiến thắng đại dịch COVID-19… Việc tổ chức điểm thả cá phóng sinh trong ngày Tết ông Công ông Táo giúp tạo thói quen tốt cho người dân trong việc phóng sinh cá đúng cách, không xả rác và vật phế thải tâm linh ra môi trường, hưởng ứng thiết thực phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và phòng chống rác thải nhựa”.
Cũng trong ngày 23 tháng Chạp, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang sẽ chủ trì tổ chức chương trình gói 1.200 bánh chưng tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch, các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, công nhân ở các khu công nghiệp và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.