Nếu không có những chính sách ứng phó kịp thời, Việt Nam khó có thể vượt qua những thách thức trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực
Theo các nhà khoa học, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng đồng thời cũng ở giai đoạn già hóa dân số (tỷ lệ người trưởng thành và người cao tuổi (NCT) tăng lên, còn tỷ lệ trẻ em và vị thành niên sẽ giảm đi).
Một buổi tập dưỡng sinh của người cao tuổi. LP |
Sau khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Khi đó, tỷ lệ người cao tuổi dự báo sẽ tăng từ 10,2% dân số như hiện nay, lên trên 20% ,thậm chí hơn.
“Điều đáng lưu ý là giai đoạn chuyển từ già hóa dân số (GHDS) sang giai đoạn dân số già tại Việt Nam diễn ra nhanh hơn so với các quốc gia khác (các nước trải qua hàng thập kỷ nhưng Việt Nam chỉ khoảng 18 năm). Bởi vậy, theo đánh giá, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có tốc độ GHDS nhanh nhất thế giới, đồng nghĩa với việc thời gian để “chuẩn bị” cho giai đoạn này sẽ ngắn lại, công tác chăm sóc NCT vì vậy sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Đó cũng là lý do vì sao Tháng hành động quốc gia về dân số năm nay lại lấy chủ đề “Già hóa dân số, thách thức trong chăm sóc người cao tuổi”, TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, nam giới 60 tuổi là tới tuổi nghỉ hưu, nữ giới đến 55 tuổi là nghỉ hưu. Trong khi đó, kỳ vọng sống trung bình của người dân Việt Nam là đến 81,5 tuổi, như vậy, sau khi nghỉ hưu, nam giới còn sống trung bình tới 21 năm, nữ giới là 26 - 27 năm. Đó là một khoảng thời gian dài, rất nhiều NCT vẫn còn sức khỏe, trí tuệ để đóng góp cho xã hội. Vì vậy, cần có chính sách phát huy vai trò của người cao tuổi, tạo thêm nhiều cơ hội để NCT từ 60 - 75 tuổi đóng góp có ích cho xã hội; còn sau 75 tuổi thì NCT cần được chăm sóc cả về cả vật chất và tinh thần. Ông Dương Quốc Trọng (Tổng cục trưởng Tổng cục DS- KHHGĐ) |
Theo TS Dương Quốc Trọng, để thích ứng với giai đoạn GHDS, Việt Nam cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp lớn, đó là chăm sóc và phát huy vai trò của NCT. Đặc biệt, trong thời gian tới, cần thiết lập một hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT, từ gia đình, cộng đồng, các trại dưỡng lão, tới các bệnh viện. Bởi lẽ, GHDS đặt ra những thách thức rất lớn với ngành y tế. Tại nhiều quốc gia, dù tỷ lệ người già chỉ chiếm tỷ lệ 10 - 20% dân số, nhưng lại chiếm tới 70% tổng kinh phí y tế và tiêu thụ đến 50% lượng thuốc của cả nước.
Hiện có rất nhiều bất cập trong hệ thống chăm sóc, khám chữa bệnh cho NCT. Cả nước chỉ có 1 Bệnh viện Lão khoa Trung ương (tại Hà Nội) dành riêng cho NCT. Sau 10 năm triển khai Thông tư 23 của Bộ Y tế về việc đề nghị tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, thành lập khoa Lão, đến nay, mới có 28/63 bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập khoa Lão; thậm chí, nhiều bệnh viện chưa vận động triển khai việc thành lập khoa Lão. Bệnh nhân cao tuổi thường phải nằm rải rác tại các khoa khác nhau trong bệnh viện.
“Đến thời điểm này, vẫn có rất ít cơ sở đào tạo nhân lực cho công tác chăm sóc NCT. Tại trường ĐH Y Hà Nội cũng chưa có khoa Lão mà mới có phân môn Lão khoa, duy chỉ có trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh là có khoa Lão. Vì vậy, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là cần gấp rút lên kế hoạch và triển khai công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, điều dưỡng viên có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc NCT của xã hội”, ông Dương Quốc Trọng lo ngại.
Sớm điều chỉnh chính sách
“Hiện Việt Nam cũng chưa có nhà dưỡng lão thật sự đúng nghĩa. Chúng ta có hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội, là nơi chăm sóc những người già, trẻ em, những người không nơi nương tựa, gặp khó khăn trong đời sống… nhưng những nơi này vẫn thiếu các hoạt động chăm sóc y tế chuyên nghiệp cho NCT”, ông Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, khẳng định.
Theo ông Phạm Thắng, trong tương lai, Việt Nam cần thiết lập những trung tâm chăm sóc đặc biệt cho NCT già yếu, sa sút trí tuệ… những người có nhu cầu chăm sóc nhưng gia đình và cộng đồng không thể chăm sóc được. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khám sức khỏe định kỳ, thiết lập sổ quản lý bệnh cho NCT để phòng chống bệnh không lây nhiễm trong hệ thống y tế công cộng. Đặc biệt, cần sớm có những chương trình chăm sóc sức khỏe cho NCT toàn diện hơn vì những chương trình chăm sóc đơn lẻ như hiện nay không phủ kín hết các bệnh không lây nhiễm.
Theo ông Dương Quốc Trọng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành y tế đang tiến hành rà soát, để kịp thời đề xuất, điều chỉnh các chính sách về chăm sóc sức khỏe NCT. Riêng ngành dân số, sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ của người dân và các nhà lãnh đạo trong việc thực hiện công tác về NCT và chăm sóc NCT.
Phương Liên