Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định: Tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người đến, về tỉnh. Tất cả những người từ nơi nguy cơ cao, nơi có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, khi đến, về tỉnh Thái Bình phải được kiểm soát kịp thời. Các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ, triệt để, kịp thời, qua đó chủ động xét nghiệm ngay đối với những trường hợp này. Nếu địa phương để xảy ra trường hợp người đến, về tỉnh từ nơi nguy cơ cao, nơi có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng mà không kiểm soát được, dẫn đến để dịch bùng phát, lây lan rộng thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, trên cơ sở thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và trên cơ sở đánh giá thực tế nguy cơ dịch ở địa bàn, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với xã, huyện quản lý, đảm bảo không trái với quy định, chỉ đạo của tỉnh, của Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương, của tỉnh đã ban hành, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch và tăng cường tuyên truyền về hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp, nhất là những nơi mới xuất hiện các ca bệnh ngoài cộng đồng; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; đề cao việc kiểm soát phòng, chống dịch ở các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Khi xuất hiện F0, các lực lượng phải tập trung truy vết với tinh thần càng nhanh càng tốt, không kể ngày đêm.
Đến nay, dịch ở tất cả các xã, huyện, thành phố và tỉnh Thái Bình vẫn đang ở cấp độ 1, tuy nhiên tỉnh cũng xác định dịch COVID-19 đã xâm nhập vào địa bàn tỉnh và nguy cơ dịch lây lan ra diện rộng đang thường trực... Theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, trong tuần qua, tỉnh đã ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng; các trường hợp F0 có diện tiếp xúc rộng, có nhiều F1 tại chợ, trường học, doanh nghiệp. Các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện trong đợt này rất đa dạng, đáng chú ý là những ca mắc mới do người dân về tỉnh từ các vùng cấp độ 1 (từ Hải Phòng) như ổ dịch tại xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương.
Trong tuần qua tỉnh Thái Bình ghi nhận 16 trường hợp mắc COVID-19 mới, trong đó có 3 ca trong cộng đồng tại xã Vũ Lễ.
Đến nay, Thái Bình đã hoàn thành 19 đợt tiêm, thực hiện được trên 1 triệu mũi tiêm, trong đó đã có 123.076 người được tiêm đủ 2 mũi (chiếm 9,47%) và 865.960 người được tiêm chủng ít nhất 1 mũi, chiếm ,16% số người từ 18 tuổi trở lên. Hiện tỉnh đang chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-29 đợt 20, với 350.000 liều vaccine.
* Tối 8/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển ký ban hành công văn 5709/UBND-HCTC cập nhật đánh giá cấp độ dịch và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Thành phố Cần Thơ sẽ áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng với dịch cấp độ 3 từ ngày 11/11.
Thành phố có 5 quận, huyện công bố dịch ở cấp độ 2 và 4 quận (Bình Thủy, Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt) cấp độ 3; 16 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; 45 phường, xã, thị trấn ở cấp độ 2; 14 phường, xã, thị trấn ở cấp độ 3 và 8 phường, xã, thị trấn ở cấp độ 4.
Các quận, huyện, xã, phường, thị trấn vẫn giữ nguyên cấp độ dịch so với Công văn số 55/UBND-HCTC thì tiếp tục thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng theo cấp độ dịch hiện tại; các địa phương nâng cấp độ dịch so với Công văn 55/UBND-HCTC thì phải thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng theo cấp độ dịch mới từ 0 giờ ngày 11/11; các địa phương hạ cấp độ dịch so với Công văn số 55/UBND-HCTC thì thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng theo cấp độ dịch mới kể từ ngày công văn này ban hành.
Sở Y tế Cần Thơ có trách nhiệm hướng dẫn UBND quận, huyện xây dựng kế hoạch thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị F0 tại nhà, cơ sở lưu trú theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tế; thống kê những trường hợp chưa tiêm hoặc không thể tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhất là những người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người mắc bệnh hiểm nghèo như: ung thư, nhờ máu cơ tim lần đầu, đột quỵ, hôn mê,... để quản lý; có các biện pháp khuyến cáo để người dân tự bảo vệ bản thân, hạn chế việc mắc COVID-19 và gửi danh sách về Sở Y tế để tổng hợp chậm nhất là ngày 12/11; tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe,... yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; tăng cường, chủ động rà soát, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngày 8/11, thành phố Cần Thơ ghi nhận thêm 400 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố từ ngày 8/7 đến nay là 10.119 người; trong đó, có 116 trường hợp tử vong và 6.594 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.
Hiện Cần Thơ vẫn đang đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Đến nay, đã có 95,4% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm một mũi vaccine và 34,8% được tiêm mũi hai.