Cờ phướn rực rỡ, những rặng hoa ven đường đua nở, những bóng cây xanh mướt mát. Phù Đổng đã nhiều đổi thay, người ta không chỉ biết đến là nơi đậm đặc trầm tích văn hóa mà đang trở thành điểm đến tham quan, thưởng ngoạn của du khách gần xa.
Sắc hoa thay màu lúa
Từ địa danh ít người biết tới, nghe rất xa xôi, dù nơi này là quê hương của Thánh Gióng, gắn với di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại hội Gióng. Nhưng giờ đây Phù Đổng đã nổi danh không chỉ với vùng đất huyền thoại, mà còn là nơi trồng hoa giấy cung cấp đi khắp nước và là miền quê còn lưu giữ nhiều đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Nông nghiệp không còn là nghề để người dân nơi này kiếm sống mà dịch vụ, du lịch mới là thứ người ta đang tập trung làm. Có lẽ vì thế, cả xã Phù Đổng có tới 500 hộ trồng hoa giấy cảnh, người người trồng hoa giấy, nhà nhà trồng hoa giấy. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ hoa giấy của thị trường ngày càng cao, khi mà các khu vực vui chơi công cộng, khu đô thị, các gia đình đang ưa chuộng trồng hoa giấy trang trí, thì diện tích trồng hoa giấy ở Phù Đổng ngày càng mở rộng. Cả cánh đồng Phù Đổng xưa toàn hoa màu, lúa thì nay đã ngập tràn sắc hoa.
Không đơn thuần chỉ trồng hoa giấy theo cách truyền thống, người dân Phù Đổng đã nhanh nhạy lai tạo, uốn ghép thành nhiều kiểu dáng thích ứng với nhu cầu chơi hoa của thị trường. Nhìn một cây hoa giấy nở với 5 - 7 loại màu khác nhau: Đỏ, hồng, trắng, cam, tím… mọi người không khỏi ấn tượng với khả năng sáng tạo của người dân Phù Đổng. Họ còn uốn tỉa tạo dáng, tạo thế tròn, tay bông làm tăng thêm giá trị của cây. Điều đặc biệt hơn, người dân Phù Đổng còn có bí quyết làm cho hoa nở quanh năm, bông to và sắc thắm. Hiện ở Phù Đổng đang có các dòng hoa giấy phục vụ các công trình và hoa giấy nghệ thuật.
Ruộng hoa giấy gia đình anh Đào Công Vinh, xóm Tự, thôn Phù Đổng 1 rộng 2,5 mẫu, trước kia chỉ trồng lúa thì nay chuyển sang trồng hoa giấy, với 3000 - 4000 cây hoa. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, anh cần mẫn học cách chăm cây cho sai hoa, đặc biệt là cách tạo dáng, tạo thế. Vì vậy, toàn bộ cây hoa trên ruộng nhà anh đều là tay bông, mà như anh nói giá trị tăng gấp 4 - 5 lần cây hoa giấy thường. Để có được thế cây cao, gốc to, anh phải mất 2 năm lai tạo, chăm sóc hoặc nếu trồng từ cây giống phải mất tới 3 năm. Dù mất thời gian như vậy nhưng khả năng tiêu thụ của loại cây này rất tốt.
Hoa đẹp, nở quanh năm, giá cả hợp lý, đó là những ưu thế để nhiều khách hàng ưa chuộng hoa giấy Phù Đổng. Chính bởi vậy, khả năng tiêu thụ hoa giấy ở đây là quanh năm, nhưng có lẽ tập trung nhiều vào dịp cuối năm, khi mà nhu cầu trồng hoa trang trí Tết tăng cao. Hoa giấy Phù Đổng nức tiếng cả nước, không chỉ phục vụ các tỉnh thành phía Bắc mà còn đưa vào tận miền Nam. Người ta trồng đến đâu bán hết đến đấy, không lo tồn đọng hàng và cũng chẳng phải quảng bá nhiều. Lúc cao điểm, Phù Đổng đón tới 50 xe tải vào chở cây đi tiêu thụ.
Làng văn hóa du lịch
Phù Đổng có nghề trồng cây cảnh lâu năm, khoảng gần 20 năm nhưng cây hoa giấy mới phát triển mạnh hơn 5 năm nay, tập trung ở thôn Phù Đổng 1, 2, 3 và Phù Dực 1,2. Mới đây, người dân trong làng vui mừng khi thành phố Hà Nội công nhận Phù Đổng là làng nghề cây cảnh, hoa giấy. Đó cũng là động lực để họ gắn bó hơn với nghề trồng hoa của làng mình.
Nhưng có lẽ mong muốn của họ không dừng ở việc thay màu lúa bằng màu hoa, tạo giá trị cao, mà hơn cả người ta muốn hình ảnh làng hoa giấy Phù Đổng được nhiều người biết tới. Vốn có lợi thế là nơi có di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại hội Gióng, Phù Đổng đang xây dựng làng mình thành điểm đến du lịch. Hơn nữa, Phù Đổng cũng có ẩm thực phong phú như: Sữa bò và các sản phẩm từ sữa; cơm, cà theo truyền thuyết Thánh Gióng; các loại bánh dân dã. Du khách đến đây có thể trải nghiệm du lịch văn hóa tâm linh, thăm làng hoa giấy, trải nghiệm cảnh quan sinh thái, du lịch đồng ruộng, thưởng thức ẩm thực Phù Đổng, có thể kết nối với du lịch Bát Tràng và điểm mua sắm ở Ninh Hiệp.
Chính bởi vậy, ông Phùng Xuân Việt, Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng cho biết, hướng phát triển du lịch của Phù Đổng hiện nay dựa trên cơ sở khai thác lợi thế văn hóa, cảnh quan của xã, sẽ tạo một vòng khép kín cho du khách tham quan. Xã cũng kêu gọi nhà đầu tư xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm quy mô lớn, tạo điểm nhấn du lịch. Đồng thời, ông Phùng Xuân Việt cũng cho hay, đã có một số đơn vị đặt vấn đề với địa phương hỗ trợ xây dựng app du lịch, thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng và cung cấp wifi miễn phí cho du khách. Khi hình thành nên điểm du lịch, xã có thể đầu tư đưa đón khách bằng xe điện tham quan các điểm đến trong làng.
Hướng đi này khiến người làng Phù Đổng phấn khởi hơn. Nhiều gia đình, nhất là các gia đình trồng hoa giấy hồ hởi đón nhận. Bởi thực tế, thời gian qua, nhiều du khách đã tìm đến cánh đồng trồng hoa giấy của Phù Đồng để tham quan, chụp ảnh. Anh Dương Trường Sơn, thôn Phù Đổng 1 cho biết, ruộng hoa giấy của anh được đầu tư quy củ, thỉnh thoảng có các nhóm khách đến tham quan, nếu xã đẩy mạnh phát triển du lịch thì đó là cơ hội tốt cho bà con ở đây.
Thời gian qua, các gia đình ở đây còn được chính quyền địa phương hướng dẫn cách phát triển cây hoa giấy kết hợp làm du lịch như: Khi làm hàng rào phải cần vật liệu thân thiện, bố trí trồng cây theo hàng lối, đào ao tích nước cho phù hợp, tạo không gian chụp ảnh cho khách…
Hiện tại, ở Phù Đổng đã hình thành một khu vui chơi giải trí sinh thái, kỳ vọng thu hút được đông khách tham quan, đó là Phù Đổng Green Park rộng 18 ha. Khu du lịch sinh thái này phù hợp với du lịch học đường, du lịch trải nghiệm cuối tuần của các gia đình và của nhiều đối tượng khác. Bởi nơi này, được thiết kế hài hòa với những không gian xanh, với vườn hồng, vườn cam quýt, khu gieo trồng thủy canh, thung lũng hoa, hồ cá koi, hồ nước lớn, các khu vui chơi ngoài trời, hệ thống sân khấu quy mô lớn, dịch vụ ẩm thực…
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa - ba yếu tố đó Phù Đổng đều sẵn có và việc trở thành làng văn hóa du lịch hấp dẫn sẽ không còn xa. Truyền thống của quê hương Thánh Gióng đã hun đúc cho Phù Đổng một nội lực mạnh mẽ và có thể bật dậy khi thời cơ đến.