Mạnh dạn đề xuất cơ chế mới
Tôi được gặp lại cô Phạm Hồng Lan, nguyên Trưởng phòng Tổng hợp của báo Tin tức trong một không gian rất “hưu trí”. Phía ngoài là những luống rau xanh mơn mởn được chăm sóc gọn gẽ, dưới hiên nhà được che bởi cơ man là những giò phong lan giữa tiếng chim lảnh lót đầu ngày. Trong không gian này, tôi được cô Phạm Hồng Lan đón như người thân đi xa về trong những ký ức khôn nguôi.
Cô Phạm Hồng Lan tiếp nhận vị trí quản lý phòng tổng hợp từ năm 2008. Trước đó công việc chính của cô là làm phát hành tại Thông tấn xã Việt Nam. Vì “tay ngang" nên cô Hồng Lan chưa lường hết được những khó khăn ở nhiệm vụ mới.
“Đứng trước bộn bề nhiệm vụ trong mảng trong quảng cáo, tài chính và chi tiêu của một tờ báo, trong hoàn cảnh báo Tin tức khi đó đang vào giai đoạn khó khăn, tôi thấm thía việc chi tiêu từng đồng, và từ đó có một mong muốn cháy bỏng là vun vén đời sống cho toà soạn”, cô Hồng Lan chia sẻ.
"Tài chính vẫn là vấn đề lớn nhất ở mỗi đơn vị. Vậy làm quảng cáo trong lĩnh vực báo chí như thế nào luôn là câu hỏi thường trực đặt ra với tôi. Khi về toà soạn, tôi thấy doanh thu quảng cáo rất khiêm tốn. Trong khi đó, các thành viên trong phòng rất chịu khó", cô Hồng Lan tâm sự.
Cô Hồng Lan kể: “Chúng tôi phải gửi từng bức thư mời tới các đại lý quảng cáo, huy động cả những mối quan hệ quen biết… nhưng cũng ít người tha thiết”.
Các cá nhân ở phòng Tổng hợp lại tỏa đi các tỉnh, thành. Cô Hồng Lan nhớ lại: “Chúng tôi phải đi nhiều, lắng nghe ý kiến của các đại lý quảng cáo. Từ đó, phòng đã có những cuộc họp bàn và đi đến thống nhất là đề xuất thay đổi cơ chế”.
“Phương án đưa ra được đồng chí Nguyễn Văn Long, Phó Tổng biên tập phụ trách mảng tài chính của toà soạn khi ấy đồng thuận. Chúng tôi cũng nhận được sự đồng ý của Tổng biên tập là đồng chí Lê Duy Truyền khi đó. Anh Truyền nói “Các cậu sang làm việc trực tiếp với Ban Kế hoạch Tài chính (Thông tấn xã Việt Nam)", cô Lan kể lại, vẫn với sự hồi hộp như trong khoảng thời gian “chờ cơ chế” đó.
“Trưởng Ban tài chính nói với chúng tôi rằng cơ chế từ xưa tới nay vẫn như vậy. Nhưng khi báo Tin tức đưa ra phải chịu trách nhiệm và phải đạt mục tiêu. Ví dụ, năm đầu tiên đạt ở mức A, sau đó tiếp tục tăng theo các năm. Nếu không đạt được phải trả lại 14-15% cho cơ quan. Báo Tin tức đã chấp nhận”, cô Hồng Lan nhớ lại.
Thuyết phục được phương án rồi, giờ triển khai mới là khâu hồi hộp. Tuy nhiên, cô Hồng Lan cho biết: “Những lo lắng ban đầu của chúng tôi đã được giải toả bởi ngay khi có quy định mới các đối tác đã tự tìm đến. Đặc biệt là sự vào cuộc của hệ thống phân xã trong nước”.
Tự hào về những ngày không nghỉ
Nhớ lại chặng đường về toà soạn mà xuất phát điểm còn mông lung, cô Phạm Hồng Lan không khỏi xúc động về những nhân viên mẫn cán đã luôn đồng hành cùng mình và đặc biệt là về vị Tổng biên tập luôn chắt chiu từng đồng tiền quý giá cho toà soạn khi ấy.
“Từ sự chắt chiu của Tổng Biên tập Lê Duy Truyền, cùng với việc chứng kiến vất vả của anh chị em làm tài chính, tôi thấm thía: Mỗi một khoản tiền dù nhỏ gửi vào tài khoản của đơn vị, là mồ hôi công sức của cả tập thể. Vì vậy, mỗi một đồng tiền chi ra, chúng tôi cũng cân nhắc, tính toán đề có hiệu quả cao nhất”.
Trong ký ức của mình, cô Hồng Lan luôn nhắc về tờ Tin tức buổi chiều với niềm vui và sự tự hào, mặc dù trong giai đoạn này báo Tin tức đã quyết định chuyển từ phát hành buổi chiều sang buổi sáng.
Kể về những hàng dài người mua báo, cô Hồng Lan hào hứng: "Tin tức buổi chiều đã có những thời khắc vàng son. Những đại lý mua báo Tin tức buổi chiều xếp hàng dài ở cổng toà soạn. Tờ báo khi đó có tin tức nóng hổi trong ngày và tin tức ở các nước lệch múi giờ mà chưa báo nào có. Sự độc quyền ấy làm cho không khí làm báo ở toà soạn không ngừng nghỉ. Những người làm phát hành như chúng tôi dù luôn chân tay nhưng cũng rất vui”.
Tuy nhiên, thời điểm phải thay đổi đã đến đều khiến những người trong cuộc luyến tiếc. Đến lúc phải dừng lại để những kỷ niệm khôn nguôi này được lắng lại trong sự xúc động của người trong cuộc. Những tháng ngày không ngừng nghỉ ấy còn thể hiện trong những sự kiện làm báo của toà soạn. Đó là những dịp làm báo Tết, hay ra số báo đặc biệt.
Cô Phạm Hồng Lan đã nhắc về ngày ra số báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất: “Nếu những phóng viên, biên tập viên bận bịu với tin, bài hoặc đi tác nghiệp thì những người làm hậu cần ở toà soạn như chúng tôi cũng luôn chân tay. Chúng tôi chuẩn bị những bữa ăn để đồng nghiệp có sức viết tin, bài; phân công người ở nhà in... Nhiều người dân đến chờ tại sạp báo số 5 Lý Thường Kiệt để có được tờ báo với dòng tít in đậm thiêng liêng “Tiễn người về miền vô tận của lòng dân”. Đây đó là người của phòng Tổng hợp, các phòng chuyên môn cũng hòa vào dòng người tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phân phát báo Tin tức”.
Trong ký ức đan xen, cô Phạm Hồng Lan luôn mang trong mình một tình yêu, nhiệt huyết và sự tự hào với tờ báo Tin tức. Ở nơi đây, cô Hồng Lan đã có những khoảng thời gian cống hiến và góp phần trong những bước chuyển mình tích cực của tờ báo.
Cũng từ những câu chuyện này, tôi được hiểu thêm về một trong những mắt xích quan trọng của toà soạn. Từ đó, giúp thế hệ chúng tôi biết ơn về những tháng ngày đã qua, biết trân trọng và nỗ lực ở hiện tại.