Sang trọng và tinh tế, nổi trội trong những phiên chợ không biên giới - hàng thêu Minh Lãng có mặt khắp thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Về Minh Lãng (Vũ Thư, Thái Bình) nhiều lần, nhưng lần nào chúng tôi cũng bị cuốn hút bởi những mẫu hàng thêu đa dạng, những sắc màu lá hoa, cỏ cây rực rỡ dưới đường kim, mũi chỉ khéo léo của những người thợ thêu lành nghề.
Bức tranh làng nghề
Cũng vào thời điểm này năm trước, về Minh Lãng, chúng tôi cảm nhận và chia sẻ sự phấn chấn, hồ hởi của các chủ doanh nghiệp thêu khi thị trường “ăn hàng” đã sôi động, ấm áp trở lại sau khủng hoảng kinh tế thoái trào. Vậy mà năm nay theo đánh giá của Sở Công Thương, nghề thêu suy giảm trên 50%. Có 14/27 làng nghề thêu trong tỉnh không đủ tiêu chí làng nghề. Tại Minh Lãng, cái nôi của nghề, chỉ còn 3 doanh nghiệp hoạt động, còn lại trên chục công ty, doanh nghiệp tư nhân hoặc dừng sản xuất, hoặc chuyển sang lĩnh vực khác.
Bức thêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Trao đổi với chúng tôi về những băn khoăn này, anh Lê Xuân Hồi- Giám đốc doanh nghiệp thêu Thành Nam quả quyết: Năm nay, lượng khách hàng Nhật Bản giảm nhiều, có thể là do tác động của hậu quả động đất, sóng thần, đơn đặt hàng thêu hiện tại chủ yếu từ Hàn Quốc. Nhu cầu sử dụng sản phẩm thêu để may áo Han- bốc, trang phục dân tộc của người Hàn không khi nào hết, đơn hàng có nhiều nhưng giá cả rất thấp, chúng tôi khó có thể ký hợp đồng vì với mức công rẻ quá, không bảo đảm thu nhập tối thiểu của người thợ trên 50.000 đồng/ngày. Hơn thế nữa, hiện nay hàng của Trung Quốc cạnh tranh gay gắt với hàng thêu Việt Nam. Họ tổ chức sản xuất theo mô hình HTX, ký hợp đồng chào hàng giá rẻ hơn nhiều so với ta. Mặt khác chi phí vận chuyển (do phía Hàn Quốc chịu) Việt Nam đi Hàn Quốc cũng cao hơn từ Trung Quốc đi Hàn Quốc. Cơ sở của anh Hồi hiện có khoảng 500 đến 600 lao động. Thu nhập của tay kim tại Minh Lãng cao nhất đạt trên 2 triệu đồng/tháng, trung bình khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/tháng, tại các tổ sản xuất ở huyện khác đạt 1,2 -1,4 triệu đồng/tháng. Để bảo đảm mức thu nhập này của người lao động, anh Hồi đã phải giảm bớt các khâu trung gian, ký hợp đồng trực tiếp với từng tổ, giảm bớt mọi chi phí, thu hẹp lợi nhuận của công ty.
Phong cảnh làng quê việt nam qua đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Cao Bính. |
Đứng đầu gần 20 công ty của làng nghề, Công ty Thêu xuất khẩu Mỹ Long lúc thịnh đạt kim ngạch XNK trên dưới 2 triệu USD/năm. Năm 2010, sản xuất thu hẹp, doanh thu xuất hàng đạt 600.000 USD, dự kiến năm 2011 đạt 500.000 USD. Ông Nguyễn Như Lại- chủ doanh nghiệp, Trưởng Hiệp hội thêu Minh Lãng cho biết: Đơn hàng từ khách hàng Hàn Quốc còn rất nhiều nhưng chúng tôi làm ít do lợi nhuận thấp, ngày công không bảo đảm. Những năm trước đây, lương thợ thêu trên dưới 1 triệu đồng họ có thể chấp nhận nhưng nay 1,5 triệu đồng chi tiêu vẫn eo hẹp, khó khăn. Hàng thêu kinh doanh theo mùa vụ rõ rệt, tháng 2 hằng năm, khách về đặt hàng, tổ chức làm thử hàng mẫu, tháng 3 doanh nghiệp đi vào sản xuất đại trà. Những thời điểm như thế, ít việc, thợ nghỉ tìm việc khác, công ty lo không đảm bảo tiến độ giao hàng gấp nên thường cân nhắc số lượng đơn đặt hàng.
Nghệ nhân Nguyễn Cao Bính đang miệt mài bên khung thêu. |
Từ năm 2010, ông Lại và các con chuyển hướng sang làm hàng may, thuê đất, xây thêm xưởng, đầu tư tổng số trên 400 máy may công nghiệp may hàng Jakets lông vũ cho khách Hàn Quốc (khách hàng do bạn hàng thêu giới thiệu), thu nhập của người lao động tăng 1,5 – 2 lần so với công thợ thêu. Theo ông Lại, Minh Lãng có trên 1.000 lao động chuyển sang làm may cho các công ty, các khu công nghiệp. Xã chỉ còn doanh nghiệp Thành Nam, Công ty Mỹ Long, Công ty Tuấn Dương đang làm hàng thêu cao cấp (loại A) cho khách hàng truyền thống từ nhiều năm nay. Còn lại các tổ hợp sản xuất thuộc các huyện chỉ thêu hàng loại B do tay nghề hạn chế, ở xa trụ sở công ty nên khâu chỉ đạo kỹ thuật hàng ngày khó khăn hơn. Một số công ty của Minh Lãng còn hoạt động hầu như nhận gia công, không ký được đơn hàng trực tiếp.
Nghệ nhân Nguyễn Cao Bính- người khởi xướng và duy trì dòng tranh thêu Minh Lãng tuy không bị quy luật cạnh tranh của thị trường làm chao đảo, nhưng ông cũng dự liệu rằng nghề thêu tranh nơi đây sắp mai một. Ông bảo, trăn trở lớn nhất của ông đó là mỗi ngày tay kim thêm chậm chạp, mắt kém mà chưa có người kế cận. Vài năm nữa ông không còn đủ sức làm nghề, dòng thêu chân dung sẽ không còn thợ làm nữa vì dòng tranh thêu này không chỉ cần tay nghề giỏi, mà người làm nghề còn phải có cái tâm. Như ông đây, bức chân dung Hồ Chủ tịch ông thêu miệt mài, ròng rã trong 4 tháng, gác tất cả các đơn hàng lại. Bức này, tâm huyết cả đời làm nghề, trả giá bao nhiêu ông cũng không bán.
Cách nào tháo gỡ khó khăn nghề thêu Minh Lãng?
Hiện ở Minh Lãng bình quân 1,1 sào ruộng/người, nên thu nhập của phần lớn những hộ gia đình ở đây trông vào nghề thêu truyền thống. Năm 2009, nghề thêu tạo việc làm cho 63% lao động trong xã, giá trị sản xuất chiếm 70% cơ cấu kinh tế. Năm 2010, duy trì việc làm cho 71% lao động tại địa phương, thu nhập từ thêu chiếm 62,3% tổng giá trị sản xuất toàn xã. Mặc dù các làng nghề chân rết trong toàn tỉnh suy giảm nhưng các doanh nghiệp nơi đây vẫn phải bảo đảm việc làm cho lao động địa phương. Một trong những khó khăn của các doanh nghiệp tư nhân bao tiêu sản phẩm của làng nghề đó là 100% các đơn hàng xuất theo con đường tiểu ngạch, nên độ rủi ro rất cao. Khách hàng bị phá sản, xù nợ của các ông chủ làng nghề, người ít vài chục ngàn USD, người nhiều như ông Lại thì trên 100.000 USD. Có khi khách nợ 500.000 - 600.000 USD chưa thanh toán, khiến chủ doanh nghiệp như ngồi trên chảo nóng.
Anh Lê Xuân Hồi cho rằng: Nhiều thị trường như Pháp, Hà Lan… vẫn sử dụng hàng thêu các loại khăn trải khách sạn cao cấp, khăn trải bàn nhưng các doanh nghiệp làng nghề không đủ tầm để xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường. Nếu tỉnh và huyện đưa đối tác về ký hợp đồng, mức lương thỏa thuận đảm bảo sinh hoạt, nghề thêu sẽ có điều kiện khôi phục. Bên cạnh đó, hiện khâu đào tạo thợ chủ yếu là truyền nghề nên các doanh nghiệp rất mong được các cấp quan tâm nhằm đào tạo tay nghề cao cho người thợ nhằm đáp ứng nhu cầu làm các hàng cao cấp.
Bảo Linh