Nhân viên thú y phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi ở một hộ gia đình tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Đồng thời, phát hiện sớm các ổ dịch, nhằm bao vây dập tắt dịch khi còn ở diện hẹp, không để dịch lây lan; thực hiện triệt để các nội dung phòng chống dịch của Trung ương và của tỉnh. Qua đó, hạn chế mức thấp nhất tác hại do dịch bệnh gây ra...
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng thú y và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm dịch động vật, kiểm soát chặt chẽ về thú y đối với việc vận chuyển, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn quản lý. Đối với gia cầm đưa từ ngoài vào địa bàn phải được kiểm dịch nghiêm ngặt, đầy đủ, nuôi nhốt cách ly...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân chăn nuôi các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm.
Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương nhằm đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, tuyên truyền để người dân chủ động giám sát, phát hiện, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu theo hướng dẫn của cơ quan thú y, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch...
Ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc, triệt để đối với các hoạt động vận chuyển, buôn bán giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo đúng quy định của pháp luật để kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Các địa phương tăng cường công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm đợt 1 theo kế hoạch của UBND tỉnh và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, động vật thủy sản và tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm năm 2017…
Các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại, nơi buốn bán giết mổ gia cầm, vùng có nguy cơ dịch bệnh cao, nhằm hạn chế triệt để nguồn gây bệnh; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, tu sửa chuồng trại bảo đảm vệ sinh thú y; chăm sóc nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng với bệnh cho gia cầm…
Ông Lê Văn Luận, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, những năm gần đây, ngành thú y Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, đầu tư cho cán bộ kỹ thuật đi đào tạo ở nước ngoài, đẩy mạnh công tác mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ quá trình chẩn đoán, sàng lọc và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Nhờ đó, dịch bệnh không bùng phát trên các đối tượng vật nuôi.
Công tác tiêm phòng hằng năm cũng đã có chuyển biến tích cực cả về chất lượng và lượng. Năm 2016, toàn tỉnh tiêm phòng đạt 103% kế hoạch; trong đó, tiêm vắc xin cúm gia cầm được 5.061.091 con đạt 93% diện tiêm, đạt 102% kế hoạch…
Nhiều huyện cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt, trạm thú y tích cực tham mưu có hiệu quả, kết quả tiêm phòng đạt kết quả cao và hoàn thành kế hoạch được giao như: Nông Cống, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Như Thanh và thành phố Thanh Hóa.