Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành có liên quan; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Điện lực Thanh Hóa tập trung ứng phó với bão số 13. Các sở, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai phương án và các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không đi vào khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch, tàu vãng lai.
Các địa phương ven biển khẩn trương kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú và các khu vực cửa sông và không được để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản; tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển, các hoạt động kinh tế trên biển, ven biển. Các địa phương kiểm tra, rà soát phương án, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các nhà không an toàn, các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, lưu ý bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai ngay các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê, kè biển đang thi công, khu vực sạt lở có nguy cơ cao ảnh hưởng đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng; tổ chức vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình. Đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn. Các địa phương trong tỉnh phải bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Đến chiều 13/11, tất cả 7.211 phương tiện tàu, thuyền của Thanh Hóa đều nắm được thông tin về bão số 13 và thường xuyên duy trì liên lạc với đất liền. Thanh Hóa có 5.878 phương tiện với 22.102 lao động đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Hiện còn 1.333 phương tiện và 4.514 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 1.003 phương tiện với 2.427 lao động đang hoạt động tại vùng biển Thanh Hóa; 330 phương tiện và 2.087 lao động đang hoạt động tại các vùng biển khác của Vịnh Bắc Bộ và Nam biển Đông. Số phương tiện này đã nắm được thông tin về bão số 13 và thường xuyên giữ liên lạc với các cơ quan chức năng, gia đình và chính quyền địa phương.