Trước đó vào sáng ngày 6/5, hàng chục xe điện của công ty Chiến Thắng đi trên đường Hồ Xuân Hương đã bị lực lượng Công an thành phố Sầm Sơn giữ lại lập biên bản xử lý với lý do xe chưa được cấp phép hoạt động. Vụ việc này khiến hàng trăm lao động của công ty (trong đó có nhiều thương binh) bức xúc và đã kéo ra đường Hồ Xuân Hương phản đối, khiến cả tuyến đường dọc biển Sầm Sơn bị ách tắc.
Trước sức ép của các công nhân, chính quyền địa phương phải tổ chức cuộc đối thoại với Ban giám đốc và công nhân của công ty Chiến Thắng. Tuy nhiên cuộc đối thoại kết thúc nhưng cũng chưa giải quyết được những bức xúc của người lao động.
Hè năm 2017, công ty TNHH thương binh 27-7 Chiến Thắng xin đưa thêm 50 xe điện vào hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại của du khách, nâng tổng số xe điện của công ty lên 150 xe và đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó có nhiều người là thương bệnh binh, thân nhân của liệt sỹ, người có công với cách mạng. Tuy nhiên chính quyền địa phương chưa xem xét, giải quyết cho 50 xe điện của công ty đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc công ty TNHH thương binh 27-7 Chiến Thắng, cho biết: thành phố Sầm Sơn đã được nâng cấp, cải tạo khang trang hơn, nhu cầu du khách đi xe điện của khách du lịch cũng nhiều hơn.
Hơn nữa khi đưa xe điện vào hoạt động cũng góp phần tăng tính cạnh tranh với các công ty hoạt động trên lĩnh vực xe điện khác nhằm giảm tình trạng chặt chém, ép khách như những năm trước đây, nhưng chính quyền địa phương chưa xem xét, giải quyết cho công ty.
Về vấn đề này phóng viên có trao đổi với ông Lê Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn, tuy nhiên ông Chiến từ chối trả lời phỏng vấn
Được biết, trên địa bàn thành phố Sầm Sơn có 4 công ty được cấp phép hoạt động loại hình xe điện, trong đó có 431 chiếc xe điện được Công an thành phố Sầm Sơn cấp biển số tạm thời để hoạt động.