Thành Nhà Hồ - Niềm tự hào đất Việt

Những ngày này, người dân xứ Thanh đang hết sức phấn khởi và náo nức chuẩn bị cho Lễ đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ được tổ chức vào ngày 15 - 16/6 tới đây.

 

Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Thành Nhà Hồ đang tiến một bước dài trên hành trình đưa hình ảnh xứ Thanh nói riêng, đất nước, con người Việt Nam nói chung ra thế giới. Trong niềm vui, niềm tự hào đó, các cấp chính quyền và người dân trong vùng di sản cũng nhận thức sâu sắc về việc chung tay cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

 

Từ giá trị nổi bật toàn cầu…


Theo các đánh giá khoa học, Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ là biểu hiện vật chất nổi bật về sự hòa hợp của các nền văn hóa trong quá khứ, phản ánh sự trao đổi quan trọng các giá trị của văn hóa Á Đông. Thành Nhà Hồ là di sản được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đó cũng là một dấu ấn văn hóa nổi bật của một nền văn minh tồn tại ngắn ngủi đã bị đứt đoạn do chiến tranh xâm lược. Thành Nhà Hồ cũng là một công trình có giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.


Thành Nhà Hồ đang trở thành điểm đến của khách du lịch.

 

Thành Nhà Hồ được vua Hồ Quý Ly xây dựng vào năm Đinh Sửu (1397). Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, trải qua thời gian hơn 600 năm, đến nay Thành Nhà Hồ vẫn được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên còn hầu như nguyên vẹn. Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất về cảnh quan cũng như quy mô kiến trúc ở khu vực Đông Nam Á.


Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ bao gồm ba vùng đề cử gồm Hoàng Thành, Đàn tế Nam Giao và một phần La Thành với tổng diện tích 155,5 ha nằm trong một vùng đệm (5.078,5 ha) gồm 8 xã và thị trấn của huyện Vĩnh Lộc cùng các di tích khảo cổ dưới lòng đất, các làng cổ, các di tích chùa, đền, hang động... liên quan đến Thành Nhà Hồ. Khu di sản đáp ứng các yêu cầu về tính toàn vẹn, tính xác thực được nêu trong hướng dẫn hoạt động thực hiện Công ước Di sản Thế giới. Tất cả những giá trị đó đã làm nên tính nổi bật của tòa thành trong nghệ thuật xây dựng kinh đô được UNESCO công nhận.


Theo khẳng định của các nhà nghiên cứu, kỹ thuật xây dựng thành công các bức tường thành bằng đá lớn đã phát huy ảnh hưởng của nó tới kỹ thuật xây dựng nhiều tòa thành sau đó ở khu vực, nhưng kỳ vĩ nhất, đặc sắc nhất chỉ có Thành Nhà Hồ vốn được xem như một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách Việt Nam và khu vực.


Tháng 6/2011, tại kỳ họp lần thứ 35 Ủy ban Di sản Thế giới tổ chức tại Pari, Pháp, Thành Nhà Hồ đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là niềm vinh dự, niềm tự hào không những của nhân dân xứ Thanh mà còn của cả nước. Danh hiệu cao quý này đã góp phần quảng bá hình ảnh về đất nước Việt Nam tươi đẹp với truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng. Riêng với Thanh Hóa, việc Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới đã giúp nâng cao nhận thức của mỗi người dân đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản…

 

Đến giấc mơ thành cổ…


Đến Thành Nhà Hồ những ngày cận kề thời điểm di sản này chuẩn bị đón Bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới mới cảm nhận hết sức sống kinh đô cổ xưa. Tại điểm khai quật khảo cổ cửa Nam Thành Nhà Hồ, Di tích Đàn tế Nam giao (di tích vệ tinh của Thành Nhà Hồ), những cán bộ khảo cổ vẫn hối hả làm việc trong cái nắng chói chang của mùa hè, những mong góp phần công sức nhỏ nhoi của mình để tìm kiếm dưới lớp đất cũ xưa kia, những di vật quý giá, những dấu tích kiến trúc để có thêm những chứng cứ thuyết phục trong hành trình mở ra cánh cửa bí mật về sự hình thành, phát triển của di sản Thành Nhà Hồ và vị vua Hồ Quý Ly…


Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 45 km, Thành Nhà Hồ nằm trên địa bàn hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long. Đến với Thành Nhà Hồ, du khách còn được tham quan các di tích danh thắng vệ tinh trọng điểm trên địa bàn như: Đền nàng Bình Khương, đình Đông Môn, chùa Giáng, nhà cổ Tây Giai, quần thể di tích đền thờ Trần Khát Chân, công trường khai thác đá cổ…

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Tỉnh tập trung trang bị kiến thức toàn diện về nội dung, giá trị cùng ý thức bảo vệ di sản dưới nhiều hình thức cho cộng đồng. Đồng thời tiếp tục công tác khai quật, khảo cổ để cung cấp tư liệu khoa học cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý lập quy hoạch, từng bước thực hiện việc tu bổ, phục hồi, bảo vệ các hạng mục công trình trên nguyên tắc triệt để tôn trọng những giá trị lịch sử, đồng thời đáp ứng được tiêu chí của một khu du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế. Tỉnh cũng đang xây dựng tổng thể quy hoạch Thành Nhà Hồ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chú trọng công tác bảo tồn các điểm di tích phụ cận và xúc tiến xây dựng quy hoạch phát triển du lịch cho di sản...


Trong một hội thảo mới được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức để tìm “Giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ”, các nhà quản lý, nhà khoa học đều khẳng định rằng, để di sản sống được trong lòng nhân dân thì chính nhân dân và chính quyền nơi có di sản mới là người bảo vệ tốt nhất. Không ai có thể làm thay việc đó nếu như nhân dân sở tại không tự giác bảo vệ, chính quyền địa phương không quan tâm và không nhận thức đúng về giá trị của di sản. Vì vậy, việc tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý nghĩa và giá trị văn hóa của Thành Nhà Hồ là cực kỳ quan trọng. Việc phát triển du lịch tại điểm đến di sản Thành Nhà Hồ phải là sự đầu tư toàn diện về thiết chế quản lý, tôn tạo di tích, đầu tư hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ. Trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải xác định và giữ cho bằng được những giá trị chân xác, để có cách thức tổ chức quản lý và bước đi thích ứng, phù hợp, không được làm biến đổi nét đặc thù của di sản. Đồng thời, để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiết thực, hiệu quả, đòi hỏi phải có sự thống nhất điều hành của một cấp quản lý hành chính Nhà nước theo hướng gắn kết vai trò của của các nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học và nhà dân. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về mọi mặt cũng cần được quan tâm đúng mức...


Hy vọng trong tương lai không xa, Thành Nhà Hồ sẽ trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách gần xa. Bên thành cổ, người xứ Thanh vẫn đau đáu một giấc mơ…

Chung tay gìn giữ, bảo tồn di sản

Ông Lê Quang Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc: “Việc trở thành di sản thế giới là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch Thanh Hóa nói chung và du lịch huyện Vĩnh Lộc nói riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN