Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, bà Dương Minh Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa VIII, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong suốt lịch sử năm xây dựng, phấn đấu trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Đại hội là dịp để mỗi đại biểu cùng trao đổi những ý tưởng, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất các sáng kiến để định hướng rõ ràng hơn vai trò của thanh niên trong việc gắn kết giá trị văn hóa truyền thống với hơi thở hiện đại.
Tại tổ thảo luận, chị Lê Thị Vân Anh, Phó Bí thư phụ trách huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) trăn trở làm thế nào để việc xây dựng và củng cố nhận thức cho thanh niên về duy trì, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa đô thị. Bởi cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ gắn liền với cuộc Cách mạng 4.0, chuyển đổi số và sự phát triển của đô thị, đã có những tác động tiêu cực nhất định đến việc duy trì, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa đô thị, nhiều di sản văn hóa đô thị bị phá hoại, bị biến dạng, xuống cấp, thậm chí biến mất hoàn toàn...
“Bảo tồn di sản là một công việc quan trọng vì các di sản chính là biểu tượng văn hóa, góp phần quảng bá truyền thống dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Công tác bảo tồn nếu đi đúng hướng vừa cải thiện chất lượng ngành du lịch, vừa tạo nên các đô thị hiện đại, thông minh. Chúng ta cần phải duy trì sự cân bằng giữa việc bảo vệ giá trị lịch sử và khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai”, đại biểu Lê Thi Vân Anh chia sẻ.
Theo chị Lê Thị Vân Anh, khi một đô thị di sản được UNESCO công nhận không chỉ là trách nhiệm của người dân địa phương, mà còn là trách nhiệm của nhân loại trên toàn thế giới và hơn hết là trách nhiệm của thanh niên, những người thụ hưởng nhiều giá trị của văn hóa, gìn giữ, tôn vinh, bảo vệ, để các di sản tiếp tục kể câu chuyện về nhân loại, văn hóa và sự phát triển bền vững trong tương lai.
Là người con của mảnh đất Hà Tĩnh, cũng là nghệ nhân dân gian, anh Trần Văn Sang luôn đau đáu trước câu hỏi: Làm thế nào để đưa di sản văn hóa đến gần hơn với giới trẻ? “Thanh niên Hà Tĩnh ngày nay, không chỉ thông thạo nhiều ngoại ngữ, am hiểu về âm nhạc, văn học, nghệ thuật và các môn thể thao hiện đại, mà còn có trách nhiệm cao trong giữ gìn, phát huy các giá trị cổ truyền. Hàng năm, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam các cấp triển khai thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo thanh niên tham gia; tiêu biểu như: Các Diễn đàn “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Theo dòng lịch sử”, “Thanh niên với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, Hành trình “Về nguồn”; thi tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước…
Để bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa các làn điệu dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh và ca trù, thanh niên Hà Tĩnh đã thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên các câu lạc bộ “Dân ca, ví diặm Nghệ Tĩnh”, câu lạc bộ “Hát ca trù” tại các thôn, xóm, làng xã và các địa bàn đô thị; đồng thời, hàng tháng tập trung tại điểm sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư để cùng nhau luyện tập, biểu diễn các làn điệu cổ truyền và sáng tác các bài hát dân ca...
Đến từ quê hương của nữ anh hùng Lê Chân, TP Hải Phòng giàu truyền thống cách mạng, chị Hà Thị Minh Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn Hải Phòng, Ủy viên Quận ủy, Bí thư Quận Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam quận Lê Chân cho rằng, công cuộc chấn hưng văn hóa, đặc biệt trong thời đại số luôn phải được bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người, trong đó nhấn mạnh là thế hệ trẻ, đây không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn là một trách nhiệm thiêng liêng của mỗi thanh niên.
“Mỗi thanh niên là một “sứ giả” văn hóa trong hành trình chấn hưng văn hoá ở kỷ nguyên số hiện nay. Những “sứ giả” hàng ngày lấy cái đẹp dẹp cái xấu, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động: “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” với hơn 500 tin tốt, câu chuyện đẹp mỗi năm được đăng tải, lan tỏa…”, chị Hà Thị Minh Châu bày tỏ.
Đại biểu Hà Thị Minh Châu cũng nhấn mạnh, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên TP Hải Phòng đang hòa mình vào dòng chảy đó, nhưng không quên nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ và chấn hưng văn hóa dân tộc. Mỗi bạn trẻ hiện đã và đang tìm hiểu, học hỏi những văn hoá truyền thống, tích cực vận dụng tham gia các hoạt động đoàn thể để quảng bá văn hoá địa phương.
Bên cạnh đó, những thanh niên trẻ không ngừng học tập, vận dụng tốt nhất những lợi thế công nghệ thông tin mang lại, thực hiện tốt ứng xử văn hóa và có trách nhiệm trên môi trường số… để dòng chảy công nghệ số không bào mòn giá trị văn hóa dân tộc trong mỗi cá nhân, từ đó lan tỏa tới mọi người dân trong cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng, gìn giữ, bảo vệ và chấn hưng văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên số.