Thầy thuốc vùng cao vượt khó - Bài cuối: Chờ nguồn đầu tư

Trước vấn đề Bệnh viện đa khoa huyện Mường Tè chậm tiến độ thi công và Bệnh viện đa khoa Nậm Nhùn phải mượn dãy nhà công nhân hoạt động tạm, đại diện ngành y tế Lai Châu cho biết “phải khắc phục khó khăn, chờ nguồn vốn đầu tư, biết anh em và người dân khổ nhưng không tiền thì đành chịu”.


Cần đầu tư xây dựng


“Ngành y tế đã đề nghị tỉnh, huyện quy hoạch đất của y tế, tạo mặt bằng san ủi để ngành y tế xin tỉnh cấp một nguồn kinh phí xây trụ sở Bệnh viện đa khoa Nậm Nhùn tạm, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Cho đến nay, vẫn chưa có mặt bằng để xây dựng”, ông Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết.

 

Trạm y tế xã Mường Mít, huyện Tân Uyên (Lai Châu) chỉ có hai gian tạm, chỉ đủ đặt mấy giường bệnh và kê cái bàn làm việc.

Trước tình hình đó, ngành y tế đưa ra giải pháp tạm thời: Yêu cầu Bệnh viện đa khoa Mường Lay giúp cấp cứu, điều trị tất cả các ca bệnh nhân nặng chuyển về (từ Nậm Nhùn ra Mường Lay cách 30 km, đường nhựa thuận lợi). Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh tích cực tăng cường cử cán bộ vào Nậm Nhùn để giải quyết những ca cấp cứu tại chỗ. Công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, ngành ưu tiên cho Nậm Nhùn tất cả các điều kiện có thể, tăng cường đội ngũ cán bộ vào để giúp anh em cầm tay chỉ việc, xây dựng kế hoạch tiêm chủng và tổ chức, triển khai sao cho hiệu quả nhất.


Ông Hà Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn nói: “Huyện đang tiến hành san ủi mặt bằng cho Trung tâm Y tế, nhưng nếu xây các dãy nhà tạm thì sau này xây bệnh viện đa khoa đúng tiêu chuẩn phải phá bỏ, rất phí. Chúng tôi đang tính phương án, sau này công trình thủy điện Lai Châu hoàn công thì để Trung tâm Y tế tiếp nhận lại khu trường học và trạm y tế thủy điện. Nếu Sở Y tế có nguồn kinh phí để xây dựng thì cuối năm 2014 chúng tôi sẽ bàn giao mặt bằng”.

 

Theo ông Lò Thế Khánh, năm 2017, thủy điện Lai Châu mới hoàn thành, hiện tường các gian nhà mượn đã nứt rất nhiều, sợ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân; trần nhà lợp ngói prô xi măng nên mưa to dột trong như ngoài, máy móc không dám lắp đặt vì sợ hư hỏng. Nếu tiếp nhận cơ sở của trường học cũng không phù hợp theo thiết kế của phòng bệnh, tốn kinh phí sửa chữa nhưng không đạt như ý muốn. Có mặt bằng, tốt nhất là Nhà nước cần đầu tư xây dựng các dãy nhà tạm, đúng chức năng của bệnh viện.


Ông Nguyễn Công Huấn cho rằng: “Tiếp nhận khu trường học và trạm y tế của thủy điện cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì hoàn toàn cơ sở vật chất của trường học, công năng không phù hợp cho bệnh viện. Nếu có mặt bằng rồi, theo tôi là nên xây dựng trụ sở tạm bên rìa mảnh đất đã được san ủi, để sau này đầu tư bệnh viện lớn thì vẫn tận dụng được các dãy nhà này. Sở Y tế sẽ đề nghị với tỉnh cấp kinh phí khoảng 2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng khu bệnh viện tạm cho y tế Nậm Nhùn. Mong muốn của ngành là rất muốn nhưng ngành không quyết định được, mà chỉ đề nghị với Hội đồng Nhân dân tỉnh và quyền quyết định là HĐND tỉnh, nhưng tôi tin vì chính sách an sinh xã hội thì tỉnh sẽ nhanh chóng đầu tư”.


Giật gấu vá vai


“Năm 2014, dự án được cấp bổ sung kinh phí, tiếp tục thực hiện các gói thầu quan trọng còn lại, nhanh chóng đưa Bệnh viện đa khoa huyện Mường Tè mới vào hoạt động”, ông Nguyễn Công Huấn khẳng định.


Ông Huấn cho biết: “Công trình Bệnh viện đa khoa huyện Mường Tè được đầu tư theo nguồn của trái phiếu Chính phủ, trong những năm qua do lạm phát và suy thoái kinh tế nên nguồn vốn không thường xuyên, chưa cấp đủ. Đồng thời, công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu xây dựng chưa kịp thời, mưa bão lại kéo dài nên tà luy âm và dương sạt lở phải xử lý, vì vậy mà chậm tiến độ thi công gần 3 năm vẫn chưa bàn giao để đưa vào hoạt động được”.


Tổng mức đầu tư ban đầu thực hiện công trình BV đa khoa huyện Mường Tè là 98 tỷ đồng (2009), tuy nhiên mới cấp được 30 tỷ thì lạm phát nên ngừng cấp kinh phí, nhưng một số hạng mục đã xây dựng hoàn thiện. Trước tình hình đó, ngành y tế là chủ đầu tư phải ra văn bản dừng, giãn, hoãn để chờ đợi kinh phí. Để sớm đưa bệnh viện mới vào hoạt động, phục vụ tốt khám chữa bệnh cho nhân dân nên ngành y tế đã kiến nghị với tỉnh và UBND tỉnh Lai Châu quyết định trích từ nguồn ngân sách 9 tỷ, tiếp tục xây dựng các hạng mục cần thiết như: hệ thống xử lý rác thải, điện, hạ tầng…


Năm 2013 và 2014, Chính phủ tiếp tục bổ sung kinh phí nhưng giữ nguyên mức tổng đầu tư ban đầu là 98 tỷ, do tiền trượt giá nên thực hiện các hạng mục theo quy mô phê duyệt là không thể. Vì vậy, Sở Y tế Lai Châu phải xem xét cắt một số danh mục sao cho phù hợp mà bệnh viện vẫn hoạt động được. Phần xây dựng đã hoàn thiện, buộc phải cắt, giảm về trang thiết bị như: Hệ thống thông tin liên lạc, thiết bị văn phòng…


Ông Nguyễn Công Huấn cho biết: Với sự cố gắng của tỉnh, của ngành y tế phấn đấu cuối 2014 sẽ chuyển vào hoạt động được, tuy nhiên con đường đất đi vào bệnh viện còn chưa được xây dựng, mưa thì lầy lội và dốc cao. Đồng thời, vừa rồi do mưa kéo dài nên sự cố sạt tà luy dương, đất đá đổ với khối lượng lớn xuống phía sau bệnh viện. Trước đó, tà luy này cũng đã bị sạt và tỉnh đã cấp kinh phí theo nguồn phòng chống lụt bão 6 tỷ đồng cho UBND huyện để xây kè. Tuy nhiên, UBND huyện Mường Tè tiến hành thiết kế và xây kè lại không giật cấp mà xây thẳng, không vượt qua độ cao của đồi nên đất trên cao bị xói mòn đổ xuống.

 

Việc bảo đảm cho bệnh nhân, cán bộ và trang thiết bị sau khi chuyển từ bệnh viện cũ lên phải được đặt lên hàng đầu nên Sở kiến nghị UBND tỉnh cấp kinh phí để khắc phục san gạt, hót phần đất đổ xuống và tiến hành xây kè giật cấp bảo đảm lâu dài không xảy ra sạt lở tà luy sau bệnh viện nữa. Nếu phần xây dựng xong rồi mà không đưa vào sử dụng thì sẽ rêu mốc, hỏng hóc, xuống cấp, vì vậy cần sớm đưa vào hoạt động. Bệnh viện cũ chuyển lên, khắc phục bằng cách sử dụng máy móc, thiết bị cũ để phục vụ công tác khám chữa bệnh, năm 2015 Chính phủ tiếp tục bổ sung kinh phí thì ngành sẽ mua sắm trang thiết bị đồng bộ theo quy mô đầu tư ban đầu.


Bài và ảnh: Việt Hoàng

Thầy thuốc vùng cao vượt khó - Bài 2: Ngóng chờ bệnh viện mới
Thầy thuốc vùng cao vượt khó - Bài 2: Ngóng chờ bệnh viện mới

Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Tè, Lai Châu đã hoạt động hơn 15 năm, cơ sở hạ tầng xuống cấp, số giường bệnh không đủ, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Trụ sở bệnh viện mới được đầu tư xây dựng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nhưng chậm tiến độ chưa bàn giao để đưa vào sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN