Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho 498 thân nhân các liệt sỹ, trong đó có 94 người hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây là nỗ lực lớn của Bộ LĐTBXH, nhằm giải quyết những hồ sơ thương binh, liệt sĩ tồn đọng sau chiến tranh.
Kết quả đáng ghi nhận
Sau 30 năm làm hồ sơ để cha đẻ được công nhận liệt sỹ và sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi liệt sỹ Nguyễn Ngọc Gấm hy sinh, cụ Nguyễn Minh Đức 88 tuổi (Hoài Đức, Hà Nội) mới được cầm trên tay tấm bằng Tổ quốc ghi công của. Cụ Đức chia sẻ: “Giờ tôi mãn nguyện lắm, suốt thời gian qua, tôi chỉ mong có thế. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã truy tặng, công nhận, vinh danh cha tôi và những liệt sỹ khác trong những ngày tháng 7 tri ân các thương binh, liệt sĩ”.
Cụ Nguyễn Minh Đức cầm bằng Tổ quốc ghi công của cha là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Gấm. |
Dù tuổi đã cao, nhưng cụ Đức vẫn nhớ câu chuyện về sự hy sinh của cha mình. Cụ Nguyễn Ngọc Gấm từng tham gia trung đoàn 48 vào năm 1946, nhưng do sức khỏe yếu, nên được đơn vị cử về địa phương hoạt động bí mật. Đến tháng 10/1950, cụ Gấm bị chỉ điểm, địch phát hiện rồi đào tung hầm nơi cụ Gấm ẩn náu. Cụ Gấm đã anh dũng cầm lựu đạn xông lên tiêu diệt quân địch, bản thân cụ cũng hy sinh.
Theo cụ Đức, cùng chiến đấu với thân sinh của cụ năm xưa còn 13 người khác, nhưng đều được công nhận liệt sỹ từ lâu, duy chỉ có trường hợp của gia đình cụ, do thất lạc giấy tờ gốc nên đến nay mới được vinh danh. Bao năm qua, cụ Đức cùng con cháu đều kiên trì, tìm lại mọi giấy tờ thất lạc để cha, ông, cụ Nguyễn Ngọc Gấm được công nhận là liệt sỹ.
Còn ông Nguyễn Văn Nam (Điện Biên), con trai liệt sỹ Nguyễn Văn Hường kể: “Tôi chỉ biết đến mặt cha qua những bức ảnh còn sót lại. Khi cha tôi hy sinh năm 1960, tôi mới tròn 6 tháng tuổi. Theo những hồ sơ còn lại, bố tôi đã hy sinh trong một trận ném bom của quân địch xuống tỉnh Lai Châu cũ, nay là tỉnh Điện Biên”.
Sau khi cha hy sinh, một mình mẹ ông Nguyễn Văn Nam nuôi 5 người con, đời sống kinh tế khó khăn, vất vả, cũng vì thế mà đến tận năm 1985, gia đình mới có điều kiện làm hồ sơ để cha ông được công nhận liệt sỹ. Nhưng do còn một số vướng mắc, nên đến nay, gia đình ông Nam mới được đón nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công.
Theo ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công, đa số các liệt sỹ được vinh danh lần này đều có hồ sơ tồn đọng từ khá nhiều năm, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn, nên các địa phương đã bằng mọi cách tích cực nhất, khai thác tối đa các nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Nhiều nơi đã phải thu thập thông tin từ hồ sơ của các nhà tù phía địch trước đây hoặc từ những tài liệu, sổ sách, nhật ký và các giấy tờ có liên quan. Một số nơi như: Long An, Vĩnh Long, An Giang,... phải tổ chức họp hoặc đến tận nhà xin ý kiến các cán bộ lão thành cách mạng qua các thời kỳ. Có trường hợp để công nhận liệt sĩ, các địa phương đã phải xác minh tại 3 quân khu, 4 địa phương... Những hồ sơ còn có những điểm chưa rõ hoặc thiếu cơ sở vững chắc đều được tổ chức xác minh làm rõ và kết luận.
Điển hình như trường hợp như cụ Đặng Văn Tiết, ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm không có bất cứ giấy tờ gì, qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ; các cụ Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khóa ở An Giang hy sinh từ năm 1945, hồ sơ được xác lập từ những năm 1976, 1977 nhưng đến nay mới được xem xét; hoặc như ở Hải Phòng, có 21 cán bộ Việt minh bị giặc Pháp bắt và bắn chết từ năm 1948, nhưng trước đây chỉ mới công nhận liệt sĩ cho 9 cán bộ; 12 cán bộ còn lại mãi đến nay mới được xem xét, công nhận....
Triển khai nhân rộng
Theo Cục Người có công (Bộ LĐTBXH), với sự nỗ lực khẩn trương của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác xác nhận người có công với cách mạng đã đạt được những kết quả lớn. Tính đến nay, cả nước đã xác nhận trên 1,1 triệu liệt sĩ; trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gần 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; gần 185.000 bệnh binh; gần 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 111.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng; trên 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc)...Về cơ bản, tuyệt đại đa số người có công đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi.
Ông Nguyễn Văn Nam (Điện Biên) với tầm bằng Tổ quốc ghi công của cha mình là liệt sĩ Nguyễn Văn Hường. |
Từ đợt “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng” trong hai năm 2014 - 2015, còn khoảng 30.000 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách (2.020 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ; 1.496 trường hợp đề nghị xác nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 7.871 trường hợp đề nghị xác nhận thương binh; 855 trường hợp đề nghị xác nhận bệnh binh; 16.295 trường hợp đề nghị xác nhận người hoạt động khỏng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...).
Đến nay các địa phương báo cáo đã giải quyết được gần 11.000 trường hợp; đang tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết trên 11.000 trường hợp các địa phương. Nhiều trường hợp chưa có hồ sơ và không có căn cứ để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết (bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định) và có những trường hợp đã được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh (21% trở lên)…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hồ sơ thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng do yếu tố khách quan như chiến tranh lâu dài, khốc liệt, việc ghi chép, quản lý ban đầu có nhiều sơ xuất; thời gian quá lâu, đã có nhiều thay đổi về đơn vị hành chính… Bên cạnh đó là những hạn chế trong khâu quản lý và tổ chức thực hiện như việc phân cấp trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ, thủ tục, quản lý hồ sơ còn chưa chặt chẽ. Các qui định về khen thưởng kỷ luật trong Pháp lệnh ưu đãi người có công chưa được hướng dẫn, thể chế khiến việc thực thi pháp luật trong đời sống thực tiễn đời sống xã hội trở nên lỏng lẻo, tuỳ tiện làm phát sinh tiêu cực như lập hồ sơ người có công giả, man khai để hưởng chế độ ưu đãi, chi không đúng đối tượng... ở một số địa phương. Điều này đã gây thất thoát cho ngân sách và gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
Trên cơ sở kết quả triển khai giải quyết thí điểm hồ sơ người có công còn tồn đọng tại các tỉnh Thái Bình, Long An, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tiền Giang và thành phố Đà Nẵng (đã xác nhận được 75 liệt sĩ và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh), Bộ LĐTBXH đã báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 giao Bộ LĐTBXH hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ cụ thể giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng tại các địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch. Bộ đã ký Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ban hành quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng.
Để đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa để người có công được thụ hưởng chính sách nhưng phải hạn chế tối thiểu việc trục lợi chính sách, Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH đã nêu rõ việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng phải đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện; về thủ tục cần xem xét, vận dụng cụ thể cho từng trường hợp, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, đồng thời tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin, căn cứ có cơ sở phục vụ việc xác nhận người có công;đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đặc biệt tại bước xét duyệt ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia giám sát, đặc biệt là các cán bộ lão thành cách mạng.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thừa nhận, mặc dù các cơ quan chức năng trong những năm qua đã nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn căn cứ, giấy tờ gốc bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Từ việc xác minh những trường hợp được công nhận trongdịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Bộ sẽ tập trung cao độ cho xét duyệt hồ sơ đợt 2/9 và 22/12/2017,đồng thời tiếp tục hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành căn bản việc giải quyết tồn đọng hồ sơ sau chiến tranh.