Nhận định được nhu cầu và tầm quan trọng của dịch vụ công tác xã hội (CTXH), năm 2007, Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh đã cho thành lập khoa Công tác xã hội để đào tạo đội ngũ làm công tác xã hội có trình độ đại học. Bảy năm qua, mỗi năm khoa cung cấp khoảng gần 200 cử nhân CTXH. Đây được xem là lực lượng nòng cốt, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án 32 của Chính phủ.PGS. TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, cho biết nghề CTXH chủ yếu là giúp can thiệp hỗ trợ cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng và hệ thống xã hội nhằm hỗ trợ đạt được sự thay đổi trong chức năng xã hội. Tuy nhiên, với Đề án 32 thì CTXH được xem là một nghề nghiệp.
Nghề công tác xã hội giúp can thiệp, hỗ trợ để đạt được sự thay đổi trong chức năng xã hội. |
Đón đầu xu hướng đó, trường đã thành lập khoa CTXH để đào tạo và cung cấp lực lượng có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về ngành này nhằm bổ sung vào lực lượng cần phải đạt được theo Đề án 32 của Chính phủ. Theo đó, trong chiến lược trung hạn của trường (từ 2011 - 2015) và tới đây là 2016 - 2020, trường đang và sẽ tiếp tục phát triển ngành CTXH, đồng thời đưa vào ứng dụng chương trình đạo tạo chất lượng cao để những người có khả năng về tài chính có thể được tiếp cận với trình độ đào tạo hiện đại hơn. Tuy nhiên, do điều kiện tài chính của trường rất có hạn nên ngoài đầu tư của nhà trường, trường rất cần huy động thêm sự ủng hộ của xã hội.
Ông Phạm Đình Nghinh, Giám đốc Trung tâm CTXH TP.HCM:
Lập đường dây nóng
Trung tâm CTXH trẻ em TP Hồ Chí Minh là một trong số rất ít trung tâm chuyên biệt, tập trung bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Theo chức năng nhiệm vụ được giao, TT triển khai nhiều nhiệm vụ, cụ thể là hoạt động về tư vấn, tham vấn, thông qua đường dây tư vấn của TT số điện thoại là 1900545559 hoặc là tổ chức các hoạt động tham vấn, tư vấn tại cộng đồng. Thông qua những thông tin từ đường dây nóng, TT sẽ trực tiếp phối hợp với địa phương triển khai xác minh, đánh giá vấn đề và thực hiện các hoạt động can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp tùy từng ca cụ thể.
Ông Bùi Ngọc Diệu, Chuyên viên chính TT Cung cấp dịch vụ CTXH tỉnh Long An:
Cần kỹ năng truyền đạt tốt
Khi tiếp xúc với các đối tượng, người làm CTXH phải nói làm sao để người ta hiểu, từ đó mới biết được họ cần cái gì để giúp họ tự cải thiện, nhận ra được những vấn đề của mình và tự giải quyết với môi trường xung quanh bằng năng lực của mình. Thực tế, số lượng anh em học CTXH ra cũng khá nhiều, nhưng để làm được việc thì vẫn chưa đáp ứng được do các kĩ năng tiếp xúc, kĩ năng làm việc với các đối tượng vẫn chưa được nhuần nhuyễn. Chẳng hạn với các đối tượng nhiễm HIV, người nhân viên làm CTXH phải tiếp xúc như người thân. Thế nhưng, ở đây vẫn còn rào cản là ngại tiếp xúc nên đôi khi cũng khó cho quá trình chăm sóc, điều trị. Chính vì thế, TT cung cấp dịch vụ CTXH thường xuyên tổ chức tập huấn cho các anh em kỹ năng tiếp xúc, nhất là tiếp xúc với các đối tượng nghiện, đối tượng yếu thế. |
“Lúc nhỏ khi thấy những hoàn cảnh ngoài đường cực khổ, người già neo đơn, trẻ em lang thang đường phố em cảm thấy bản thân mình may mắn hơn nhiều. Khi theo học ngành này, em mong muốn được giúp một phần sức lực của mình cho xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, chưa có nhiều người biết đến và hiểu đúng về nghề CTXH. Em mong muốn trong tương lai gần, có thể phát triển mạnh nghề CTXH hơn nữa”, bạn Hoàng Tiểu Châu, sinh viên Lớp K5, Khoa CTXH (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Nhiều sinh viên Khoa CTXH, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận ngành CTXH còn khá mới mẻ. Vì thế, để mọi người hiểu về ngành này cho đúng không dễ chút nào. Phạm Xuân Thuyên, sinh viên Khoa CTXH của trường, cho biết: “Phần lớn, mọi người thường hiểu CTXH là làm tình nguyện này nọ nhưng thực chất, nó hàm chứa rất nhiều thứ, giúp đỡ mọi người những bằng cái tâm, cái nhiệt huyết yêu nghề, đặc biệt phải biết cách để mà ứng phó với từng đối tượng cụ thể mà giúp đỡ và hỗ trợ. Vì thế, khi chúng em được học, đào tạo bài bản, mới thấy rõ nghề CTXH rất quan trọng”.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thụy Diễm Hương, Phó Khoa Công tác xã hội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, ngoài việc giảng dạy cho sinh viên, khoa CTXH của trường còn thực hiện các hoạt động tham vấn tâm lý và thực hành công tác xã hội cho nhiều đối tượng khác nhau với sự hợp tác của các chuyên gia trong và ngoài nước. Trường cũng mở nhiều lớp đào tạo kỹ năng, kiến thức liên quan đến công tác xã hội cho các đơn vị, tổ chức xã hội ở nhiều địa phương... “Thông qua đó, giúp các em sinh viên nâng cao kiến thức và hiểu biết để sau khi ra trường, các em có thể hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn, yêu nghề hơn. Đây là một nghề rất cao quý, có ý nghĩa đem lại nhiều thay đổi tích cực cho xã hội. Nếu phát triển tốt nghề CTXH sẽ là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh, phát triển xã hội công bằng, hài hòa và bền vững”.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho biết, tài liệu, giáo trình phục vụ giảng dạy ngành CTXH vẫn còn khó khăn do thiếu, đa số là do các giảng viên tự nghiên cứu và dịch từ các giáo trình của nước ngoài, do vậy mà tính đặc thù ứng dụng ở Việt Nam chưa cao.
Bài và ảnh: Hải Yên