Xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là xây dựng đường mới, nhà mới mà thực sự phải nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Đối với đa số các xã thuần nông, không có nghề phụ, không có điều kiện đổi đất lấy hạ tầng thì việc xây dựng NTM thực sự gặp nhiều khó khăn.
Bài 2: Làm nông thôn mới theo kiểu “nhà nghèo”
Nghèo làm theo kiểu nghèo
Trong chương trình xây dựng NTM, ước tính mỗi xã phải cần kinh phí trên 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đối với những xã ven đô, việc đổi đất lấy hạ tầng sẽ dễ dàng hơn, nhưng lại vấp phải thực tế là quỹ đất có hạn. Còn các xã vùng sâu vùng xa, thuần nông thì mặc dù nhiều đất nhưng giá trị thấp, rao bán cả năm mà… chẳng có ai mua.
Người dân xã Thanh Tân tự giác chặt cây của nhà mình để tạo điều kiện cho xã làm đường. Ảnh: Hữu Vinh |
Do vậy, tìm đâu ra nguồn kinh phí để xây dựng NTM là câu hỏi lớn đối với nhiều xã nghèo. Để giải quyết vấn đề này, xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương, Thái Bình), nằm cách thành phố Thái Bình khoảng 20 km về phía Đông Nam, là một xã thuần nông của tỉnh, đã có hướng đi riêng, một hướng đi phù hợp đối với các xã nghèo mà vẫn đạt được tiêu chí NTM.
Ông Bùi Mạnh Hà, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tân chia sẻ: “Trước tiên, chúng tôi vận động người dân góp đất mở đường, xây dựng ngõ đẹp, đường đẹp theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Sau đó, vận động người dân đào đắp đất thành hình hài con đường theo đúng chỉ giới quy hoạch”.
Đối với các tuyến kênh mương, mặc dù chưa có kinh phí nhưng xã Thanh Tân vẫn huy động người dân đào đắp thành hình hài đúng theo tiêu chuẩn, để máy móc có thể tới tận cánh đồng. Sau đó, xã giao cho các đội tự quản, quản lý và tu dưỡng thường xuyên, không để sạt lở. Khi nào có kinh phí sẽ rải đá, nhựa đường và “cứng” hóa dần các đường mương, nội đồng.
“Như vậy, các công trình vẫn sử dụng được mà chưa cần ngay kinh phí để xây dựng”, ông Hà nói.
Tuy nhiên, theo ông Hà, nếu không tăng thu nhập cho người dân thì việc xây dựng NTM coi như thất bại, người dân không có tiền để đóng góp xây dựng các công trình đã được quy hoạch. “Vì vậy, chúng tôi chủ trương tạo điều kiện cho bà con sản xuất lúa giống, biến Thanh Tân thành vùng chuyên lúa giống, để thành khẩu hiệu “Nói tới Thanh Tân là nói tới lúa giống, giúp người nông dân nâng cao thu nhập”.
Khi đời sống đi lên, có kinh phí thì sẽ “cứng” hóa những công trình đã được quy hoạch, dần dần tạo nên bộ mặt mới của nông thôn, đồng thời người dân có mức sống ổn định hơn”, ông Hà tâm sự.
Mỗi xóm là một đại công trường
Dẫn chúng tôi đi “thị sát” một vòng quanh các thôn, xóm trong xã, ông Bùi Mạnh Hà cho biết, xã đang tiến hành cuộc cách mạng đường sá, giải tỏa hành lang làm đường trong thôn. Đường thôn phải có mặt cắt trên 6 m, đường xóm phải có mặt cắt từ 3 m trở lên. Mỗi con đường chỉ trồng một loại cây bóng mát.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là nơi đây như một đại công trường. Từ cổng làng tới các thôn, xóm, đường sá đang được người dân phát quang, mở rộng, đường giao thông nối liền các xóm cũng được nâng cấp, mở rộng. Dọc đường, các hàng cây xanh mới được trồng đều tăm tắp. Gần tới giờ cơm trưa mà nhiều người dân vẫn đang hăng hái phát quang các bờ dậu, bờ rào xung quanh tường nhà mình, giải phóng sớm mặt bằng để tạo điều kiện cho xã kịp tiến độ làm đường.
Lãnh đạo xã Thanh Tân xác định, xây dựng NTM trước hết phải thay đổi nhận thức của từng người dân về nếp sống mới chứ không phải dùng tiền để xây mới bộ mặt nông thôn. Gia đình ăn ở vệ sinh ngăn nắp, NTM không chỉ có nhà to đường đẹp, phát triển kinh tế, hạ tầng mà còn cả văn hóa xã hội, xây dựng an ninh xã hội...
Và NTM thì bản thân từng gia đình cũng phải đổi mới, nề nếp gia phong, ứng xử. Vì vậy xã đã phát động phong trào ăn ở vệ sinh ngăn nắp, phải có nước sạch và hố xí tự hoại, quy hoạch vườn hợp lý cho cảnh quan đẹp, quy hoạch khu chăn nuôi hợp vệ sinh gia đình và vệ sinh chung, sân nhà sạch sẽ, nhà cửa ngăn nắp... “Tôi vào nhà ông mượn cái bật lửa mà tìm vã mồ hôi không ra thì không được công nhận là gia đình ngăn nắp”, ông Hà ví dụ.
Xã cũng quy định, nếu ai đạt được các tiêu chí này thì được cấp chứng nhận. Xã Thanh Tân hiện đã có gần 100 hộ được cấp giấy chứng nhận. “Trong ngày đại đoàn kết toàn dân 18/11/2010, chúng tôi đã cấp giấy công nhận cho một số thôn, xóm, hộ gia đình bằng khen.
Mặc dù không có kinh phí khen thưởng bằng hiện vật nhưng bà con rất phấn khởi, nhiều gia đình còn lên xã thắc mắc vì sao gia đình mình chưa nhận được bằng khen?”, ông Hà cho biết.
Theo ông Lê Huy Ngọ, Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình thí điểm NTM, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xây dựng NTM không phải là xây dựng bộ mặt mới mà là trước hết để người dân nhận thức được nếp sống mới, văn minh hơn, ngăn nắp hơn.
Sau đó mới tính tới chuyện tăng thu nhập của người dân và xây dựng các công trình công cộng. Và với Thanh Tân, mặc dù không có nhiều kinh phí nhưng xã đã tìm ra một hướng đi hay mà nhiều xã vùng sâu vùng xa nên học theo để thực hiện tốt phong trào này ở địa phương mình.
Hữu Vinh - Viết Tôn
Bài 3: Giải quyết bài toán thu nhập