Sinh ra chỉ có một chân, mọi việc đi lại đều phải nhờ vào chiếc nạng gỗ, nhưng Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1996, Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn luôn nỗ lực và cố gắng, thực hiện ước mơ trở thành sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Khuôn mặt khôi ngô, hiền lành, thậm chí hơi rụt rè, Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1996, Chương Mỹ, Hà Nội) luôn tạo cho người đối diện cảm giác thân thiện, dễ mến. Đến ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền tìm em, gặp cô Đàm Thị Tuyết ( tuổi, ở thôn Xuân Sen, xã Thuỷ Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội), mẹ Thắng, đang dọn dẹp phòng. Dáng người gày gò, nước da nâu khắc khổ, người phụ nữ nông dân chân chất mời chúng tôi ngồi uống nước. Cô kể: "Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn và trường hợp đặc biệt như của Thắng, các sinh viên tình nguyện đã giúp đỡ, xin cho mẹ con ở miễn phí trong ký túc xá của trường".
Hành trang đi thi của hai mẹ con Thắng là hai chiếc ba lô nhỏ, đồ đạc không có gì nhiều. Cô Tuyết trải lòng: "Khi mang thai Thắng được 2 tháng, tôi bị ốm, sốt và ho. Do thiếu kinh nghiệm nên mua thuốc uống. Đến khi sinh ra, thấy một bên chân Thắng không bình thường, chỉ có một chân có thể đi lại được. Tôi đã ân hận và khóc rất nhiều, lúc nào cũng thấy có tội với con".
Thí sinh Nguyễn Văn Thắng đi thi với chiếc nạng gỗ. |
Sau khi phát hiện ra bệnh của Thắng, mặc dù làm nghề nông, mọi thu nhập của gia đình đều trông chờ vào mấy sào ruộng và đàn vịt nhưng bố mẹ Thắng luôn cố gắng, đưa em đi chữa trị ở nhiều nơi. Ngay khi Thắng được 3 ngày tuổi, gia đình đưa em lên Bệnh viện Nhi khám bệnh với hi vọng thay đổi được điều gì đó. Nhưng các bác sĩ đều lắc đầu, gia đình phải chấp nhận em bị khuyết tật bấm sinh như vậy. Không bỏ cuộc, suốt những năm sau, nghe thấy ở đâu có thể chữa bệnh được cho con, bố mẹ Thắng đều đưa em đi chữa trị. Nhưng tất cả đều không hiệu quả, đến giờ, mọi di chuyển của em đều phải nhờ vào chiếc nạng gỗ.
Do bị khuyết tật bẩm sinh, không thể phát triển bình thường như đứa trẻ khác, từ nhỏ Thắng chỉ có thể trườn, bò, chưa bao giờ biết đến cảm giác chập chững bước đi bằng 2 chân. Từ khi Thắng bắt đầu vào học cấp 1, cách nhà 5 km, bố Thắng đã quyết định đổi nghề, chuyển hẳn sang làm nghề…xe ôm để tiện đưa đón con đi học. "12 năm Thắng đi học là 12 năm bố nó chạy xe ôm, vừa kiếm tiền, vừa tiện chở con đi học. Có những khi bận chở khách, đến đón con muộn, vào lớp thấy con ngồi khóc một mình mà đứt từng khúc ruột", mẹ Thắng kể.
Từ bé đến giờ, Hà Nội là nơi xa nhất Thắng được đến. Hồi bé, mỗi lần lớp đi chơi, đi tham quan là Thắng tủi thân vô cùng. Vì các bạn được đi chơi, chạy nhảy, còn em chỉ ở nhà. Lần này được ra Hà Nội, Thắng thấy lạ lẫm nhiều nên cũng thích đi khám phá, từ hôm qua ra đến Hà Nội, Thắng đều cùng mẹ đi dạo khắp ký túc xá khám phá.
Mặc dù thiệt thòi hơn so với những bạn cùng lứa tuổi nhưng Thắng không hề thua kém về học lực. Những năm đi học, em đều đạt học sinh khá, giỏi. Thậm chí, trong kỳ thi vào cấp 3, em còn đạt điểm số cao, thừa 10 điểm vào trường và cao điểm gần nhất lớp. "Điều kiện gia đình khó khăn và cũng không có ai đưa đi nên chủ yếu em học trên lớp và tự học ở nhà. Em rất thích học môn Sử và thế mạnh của em là các môn khối C. Em đăng ký dự thi khoa Báo chí đa phương tiện của Học viện Báo chí để thực hiện ước mơ đến giảng đường và trở thành nhà báo", Thắng cho biết.
Thấy con ham học, lại quyết tâm thi vào đại học, bố mẹ Thắng hết lòng động viên con. Trước ngày đi thi, mẹ Thắng đã bán 3 tạ lúa, được hơn 2 triệu đồng và vay mượn thêm để đưa em đi thi. Không giấu nổi xúc động, Thắng kể: "Nhiều người đã hỏi ước mơ của em là gì? Với hoàn cảnh như em thì em không mong muốn gì nhiều, em chỉ mong mình có thể đỗ đại học, kiếm được công việc để tự nuôi sống bản thân và lắp một chiếc chân giả để có thể tự đi lại".