Nhiều người bất hạnh, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh đã được sư thầy Thích Thanh San, trụ trì chùa Phúc Nghiêm, xã Xuân Sơn, huyện Đông Triều, Quảng Ninh, quy tụ về nuôi dưỡng. Và ngôi chùa Phúc Nghiêm đã trở thành chốn yên bình cho những mảnh đời cơ nhỡ.
Sư thầy Thích Thanh San chăm sóc cháu Thành Tâm. Ảnh: Mạnh Khánh |
Về trụ trì tại chùa Phúc Nghiêm từ năm 1998, khi ấy sư thầy Thích Thanh San mới 19 tuổi. Song sư thầy lại ấp ủ một ý tưởng lớn, đó là nhận nuôi dưỡng những con người cơ nhỡ. Với tâm niệm "cứu một người bằng xây bảy tòa nhà", từ năm 2009, sư thầy San đã “hiện thực hóa” ý tưởng của mình. Những cụ Tịnh, bà Bở, bà Na, cô Hai, cậu bé Trí Tuệ, cậu bé Thành Tâm... không có nhà cửa, thậm chí quên cả quê quán, đã được sư thầy Thích Thanh San nhận về nơi cửa thiền nuôi dưỡng.
Chốn thâm nghiêm giờ đây đã có những tiếng cười đùa, tiếng đánh vần “i, tờ” bi bô của trẻ vào những buổi sáng và khi chiều buông. Cậu bé Trí Tuệ và Thành Tâm được sư thầy nhận nuôi khi vừa lọt lòng, bị mẹ bỏ rơi ở bệnh viện. Giờ đây các cháu đã chuẩn bị bước vào lớp 1, biết chào hỏi mỗi khi có người đến thăm. Để nuôi được hai cháu đến giờ phút này thật là vất vả.
Thầy San kể, nhiều đêm cháu thèm sữa mẹ, khóc gằn cả tiếng, sư thầy cùng với một số vãi đã phải thức trắng đêm dỗ dành chăm bẵm. Lại những lúc các cháu sài đẹn, ốm đau, thầy phải đôn đáo ngược xuôi lo thuốc thang chữa bệnh. Với những bà mẹ chăm con ốm đau đã vất vả, còn sư thầy thì sự vất vả, cực nhọc nhân lên gấp bội, thầy đã phải “vượt qua chính mình” để làm cha các cháu. Không phụ lòng, cháu Tuệ và Tâm cũng bụ bẫm như bao trẻ có cha mẹ khác và rất thông minh.
Khi được hỏi về tên của hai cháu, thầy San cho biết, Tuệ, Tâm là mong ước của nhà chùa, sau này khi các cháu lớn lên sẽ có trí tuệ và tâm trong sáng để phục vụ đất nước, làm nhiều điều thiện tâm gieo duyên lành cho mọi người. Kể từ khi “trung tâm” được thành lập đến nay, sư thầy San đã nhận nuôi gần 10 trường hợp không nơi nương tựa.
Trong đó có những trường hợp mà Tết Tân Mão vừa qua đã là lần thứ tư được đón năm mới trong no ấm. Nhà chùa cũng gặp không ít khó khăn về kinh tế khi bao bọc cho các mảnh đời bất hạnh. Chính vì vậy khách thập phương khi đến chùa thấy được việc làm của sư thầy thật ý nghĩa đã phát tâm công đức chung tay góp sức chăm lo nơi ăn, chỗ ở cho những mảnh đời cơ nhỡ.
Bằng sự hảo tâm của các phật tử, khách thập phương đầu năm 2010, chùa Phúc Nghiêm đã hoàn thành xây dựng 8 phòng ở và 1 phòng ăn cho các trường hợp. Ở “mái nhà chung”, mọi thành viên đều được chăm sóc tận tình từ bữa ăn, tới giấc ngủ, có bầu bạn để sẻ chia, tâm sự. Hàng ngày các cụ, các bà thường làm những việc nhẹ nhàng như quét nhà, chăm sóc vườn rau, ao cá, vườn cây thuốc nam... Các cụ còn được tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Thái cực trường sinh đạo vào ngày 24 hàng tháng, cùng động viên nhau sống vui, sống khỏe.
Cụ Tịnh đã gần 70 tuổi không giấu nổi những giọt nước mắt xúc động nghẹn ngào nói: “Tôi chẳng biết mình sinh ra ở đâu, bao năm sống vật vờ, tạm bợ ở nơi gầm cầu, góc chợ, được nhà chùa nhận về nuôi, được ăn ở sạch sẽ, sức khỏe của tôi đã khá lên nhiều, sư thầy San chính là người đã sinh ra tôi lần thứ hai”. Hàng ngày, cứ vào tầm 5 giờ chiều, tiếng chuông chùa Phúc Nghiêm lại thong thả ngân vang cả vùng Đệ tứ chiến khu xưa, mang lại sự yên ấm cho những mảnh đời đơn lạnh vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
Mạnh Khánh