Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cho biết: Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước luôn coi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển con người. Việt Nam đã có Luật Trẻ em năm 2016; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An toàn thông tin năm 2018; Luật An ninh mạng 2018... liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai các Luật. Tuy nhiên, trên môi trường mạng internet, còn thiếu rất nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em. Bất kỳ một trẻ em nào truy cập internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng (cyberbullying), dụ dỗ qua mạng (grooming), lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng.
Đại diện UNICEF cho biết: Châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ trẻ em truy cập mạng cao nhất thế giới. Theo thống kê năm 2019 thì tỷ lệ này 57% và 2023 sẽ tăng lên 75%. Tỷ lệ này cũng tương ứng ở Việt Nam. Hiện, Việt Nam có hơn 24 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Khi công nghệ và internet len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống, trẻ em là đối tượng đón nhận nhanh nhất những thông tin trên mạng. Đồng thời, đây cũng là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ và những vấn đề tiêu cực trên mạng internet.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT phối hợp với các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Công an xây dựng đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025”. Đề án được xây dựng nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng); hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
Đề xuất đến giải pháp bảo vệ trẻ em trên mạng internet, ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin ( Bộ TTTT) chia sẻ về 5 yếu tố cơ bản, đó là: Hoàn thiện cơ sở pháp lý của Việt Nam; phương pháp hiệu quả để giáo dục, tuyên truyền cho trẻ thanh thiếu niên; sử dụng công nghệ để hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng; nâng cao năng lực sử dụng internet của toàn xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề dành cho trẻ em trên môi trường mạng.
Các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội thì cần sớm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định của pháp luật, cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; cơ chế khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, trong đó, nòng cốt là các doanh nghiệp công nghệ Việt tham tham gia xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng.
Bộ TTTT sẽ kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ chung tay tham gia phát triển các ứng dụng, sản xuất các nội dung bổ ích giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Ngoài ra, các diễn giả cũng đóng góp ý kiến về vấn đề đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, đặc biệt là thông qua cách thức truyền thông mạng xã hội để nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề được đặt ra trong đề án…
Sau khi tham vấn ý kiến các chuyên gia và các cơ quan hữu quan, dự kiến đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2020.