Trước mắt, trong ngày 20/10, tỉnh Quảng Bình thiết lập mạng lưới phân phối lương thực, thực phẩm (gồm các loại giản đơn, dễ tổ chức vận chuyển đến như lương khô, mì gói, nước mắm...) đến với bà con vùng ngập lũ lụt nặng tại hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Với các địa phương khác như vùng Nam thị xã Ba Đồn và các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, mạng lưới phân phối lương thực sẽ được triển khai sớm…
Tại tỉnh Quảng Bình, tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp và nhiều bất thường. Với phương án “4 tại chỗ”, việc lãnh đạo chỉ đạo sát sao của tỉnh Quảng Bình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống lũ lụt ra tại địa phương.
Tuy nhiên, lũ lụt kéo dài khiến cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Hiện bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân hết lương thực dự trữ ở những vùng bị chia cắt do ngập sâu, ngập dài ngày tại nhiều địa phương, khu dân cư. Việc cứu trợ, cứu nạn vào những địa phương này vô cùng khó khăn vì địa hình bị chia cắt, nước lụt bao vây.
Đánh giá cao công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ của các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp, di dời người dân đến nơi an toàn, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh, tình hình mưa lũ đang còn diễn biến phức tạp, nhiều bất thường, việc triển khai phòng, chống càng phải mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Việc hỗ trợ người dân phải hiệu quả, kịp thời và thiết thực, nhất là với các địa phương bị ngập lụt, ngập sâu nhiều ngày. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu mạng lưới phân phối lương thực phải được triển khai ngay để lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân, không để dân đói nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện này.
Đến sáng 20/10, do ảnh hưởng của mưa lũ, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 4 người chết, 6 người bị thương; trên 89.000 ngôi nhà bị ngập. Hàng trăm thôn, bản bị chia cắt; thiệt hại nhiều về tài sản.