Thiếu khu vui chơi an toàn cho trẻ
Dạo quanh một loạt các khu đô thị, các khu tập thể từ quận Thanh Xuân cho đến quận Cầu Giấy, hầu hết chưa có một khu đô thị nào có sân chơi cho trẻ em đúng nghĩa. Tại một số khu chung cư, sân chơi tập trung còn bị chiếm dụng làm hàng quán, khu để xe, tập kết rác thải...
Đáng chú ý, mùa Hè đang đến gần là lúc trẻ em được nghỉ học và vui chơi nhưng vui chơi ở đâu an toàn và thoải mái lại là vấn đề nan giải cho các bậc phụ huynh. Không có khu vui chơi riêng chính là nguyên nhân trẻ thường xuống lòng đường, vỉa hè để đá bóng, đạp xe... vô cùng nguy hiểm và mất an toàn giao thông.
Bà Hoàng Thị Xuyến, khu tập thể Thành Công, Ba Đình cho biết: Cháu tôi sắp được nghỉ hè nhưng chỉ quanh quẩn trong nhà. Xuống sân chơi cũng nguy hiểm vì hàng quán nấu nướng rất nhiều. Trẻ con không được chạy nhảy, lại tìm đến điện thoại, máy tính bảng, tivi vừa dễ hỏng mắt mà lại sa vào các trò chơi nguy hiểm.
Tình trạng thiếu không gian vui chơi cho trẻ không chỉ xảy ra phổ biến ở những khu tập thể cũ mà ngay cả những khu chung cư cao cấp không gian vui chơi của trẻ cũng bị thu hẹp và không hề đúng với những lời quảng cáo của chủ đầu tư. Hầu hết diện tích sân chung phía dưới các khu chung cư đều được sử dụng để phát triển khu trông giữ xe ô tô, xe máy hay các quán ăn.
“Nếu có, khu vực vui chơi của trẻ cũng không rộng bằng một nửa của khu vực để xe” - anh Nguyễn Tú, sống tại chung cư Hà Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Cùng tâm trạng nêu trên, chị Hoa ở chung cư Hà Đô cho biết thêm: Sân chơi cho trẻ hẹp mà số lượng trẻ đông, chen chúc xô đẩy vào nhau khiến tôi không yên tâm. Nhà tôi có hai cháu học lớp 1 và lớp 5. Tôi thường phải đưa bé ra công viên Cầu Giấy mới có diện tích thoải mái để con chạy nhảy.
Hệ lụy của việc thiếu không gian vui chơi
Nhu cầu được chơi của trẻ được đề cập rất rõ ràng trong Luật Trẻ em. Đây là nhu cầu thiết yếu, cần thiết cho sự phát triển cả trí tuệ cũng như thể chất, tâm hồn và tính cách của trẻ. Khi một nhu cầu thiết yếu không được đáp ứng, ắt hẳn sẽ có những phương án khác để giải quyết nhu cầu đó. Tuy nhiên, những tác động tích cực chưa thấy nhiều mà có thể nhận thấy rõ hiểm họa của việc thiếu không gian chơi an toàn cho trẻ đang diễn ra từng ngày.
Phần lớn trẻ em hiện nay đều phải tự tìm sân chơi cho mình. Đã là sân chơi tự phát, nó có thể hình thành ở bất cứ nơi đâu, có thể là vỉa hè, có thể là lòng đường đông đúc xe cộ, là lan can, ban công ở những tòa nhà chung cư. Đáng chú ý, khi vui chơi, trẻ thường hay mất sự chú ý với những thứ xung quanh. Đây chính là nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ bất cứ lúc nào.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra do trẻ vui chơi ở lan can khu chung cư và không may trượt chân ngã. Mới đây nhất ngày 4/3/2019 tại khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), bé trai khoảng 4 tuổi rơi từ trên ban công tầng 3 xuống đất tử vong do bé ra ban công chơi. Đây không phải là vụ việc duy nhất mà đã có rất nhiều sự việc tương tự xảy ra.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em ở thành phố hiện nay có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với những thiết bị công nghệ và máy móc nên khi không có một không gian chơi lý tưởng, trẻ sẽ dành thời gian vùi mình vào điện thoại, máy tính bảng hay những trò chơi mang tính bạo lực, những thông tin không thể kiểm soát được nội dung. Chính điều này tác động rất lớn đến tâm lý và tính cách của trẻ, khiến trẻ bị cô lập, không hòa đồng, ánh sáng điện tử ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe mắt và thần kinh của trẻ.
Sân chơi cho trẻ là vô cùng quan trọng và cần thiết giúp trẻ có thể phát triển toàn diện về thể chất, tính cách và trí tuệ, sau những giờ học tập căng thẳng trên lớp. Đã đến lúc cần nhiều hơn nữa những hành động thiết thực từ các cơ quan chức năng để có được những sân chơi hợp lý cho tất cả người dân, nhất là sân chơi cho trẻ em ở các khu chung cư, nhà cao tầng, để đáp ứng nhu cầu vui chơi chính đáng của trẻ, nhất là khi kỳ nghỉ hè mới của học sinh đang đến gần.