Thịt lợn tươi ở Hà Nội không có chất cấm

 Kết quả xét nghiệm trên 5 mẫu thịt tươi trên địa bàn Hà Nội không phát hiện hóa chất nhóm Beta 2-Agonist.


Các cơ quan chức năng khuyến cáo không phải tất cả thịt lợn nạc đều nhiễm độc.





















Ngày 16/3, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế cho biết trước thông tin trong thịt gia súc, gia cầm có tồn dư hoócmôn nhóm Beta 2-Agonist, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cùng Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã lấy mẫu kiểm nghiệm, bước đầu lấy mẫu trên địa bàn Hà Nội.

Kết quả xét nghiệm không phát hiện thấy chất cấm này.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để kiểm tra, kiểm soát; đồng thời yêu cầu Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiếp tục lấy mẫu giám sát rộng trên thị trường.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã hướng dẫn người tiêu dùng cách chọn thịt lợn tươi, ngon. Theo đó, thịt lợn tươi có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả. Mỡ có màu sắc, độ rắn, mùi vị bình thường; vết cắt cũng có màu sắc bình thường, sáng và khô. Lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Tủy lợn bám chặt vào thành ống tủy, màu trong, đàn hồi.

Khi luộc hoặc chế biến, nước canh trong, mùi vị thơm ngon, trên mặt có nổi một lớp mỡ với vết mỡ to. Còn thịt kém tươi và ôi sẽ có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí còn bị đen, không bóng; màng ngoài nhớt nhiều hay bắt đầu nhớt; mỡ màu tối, độ rắn giảm sút, mùi vị ôi; nước canh đục, mùi vị hôi, trên mặt lớp mỡ, tách thành những vết nhỏ hoặc hầu như không còn vết mỡ nữa.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo không phải tất cả thịt lợn nạc đều nhiễm độc. Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều giống lợn có năng suất cao, tỷ lệ nạc lên tới 64%.Người tiêu dùng không nên mua loại thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, có màu quá đỏ và độ nạc cao một cách bất thường...

Trước đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định sẽ xử lý nghiêm khắc những đối tượng sản xuất, lưu hành và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, mẫu kiểm tra thức ăn chăn nuôi năm 2010 và 2011 tại các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn đều không phát hiện ra các chất cấm. Vừa qua, việc phát hiện các mẫu chất cấm trong nước tiểu và máu chủ yếu là của đàn lợn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ở Đồng Nai.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết các cơ quan chuyên môn đang lấy mẫu tại một số tỉnh phía Nam, vào cuối tháng 3/2012 dự kiến sẽ có thông tin để công bố tỷ lệ nhiễm chất Beta-Agonist trên đàn lợn.

Beta-Agonists là nhóm hormon tăng trưởng có tác dụng làm giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc ở gia súc, gia cầm. Chất này đã bị cấm sử dụng để chăn nuôi ở Việt Nam từ năm 2002. Tương tự, trên thế giới, Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cấm sử dụng chất này trong chăn nuôi bởi tính nguy hại của nó đối với sức khỏe con người.


Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN