Hàng nghìn hộ đồng bào miền núi từ chỗ xa lạ với việc vay vốn để sản xuất thì nay đã chủ động tìm đến với ngân hàng để được tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh, thoát nghèo bền vững.
Từ một hộ khó khăn đến nay ông Hồ Trường Sinh, dân tộc Kor ở thôn 3 xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã trở thành một hộ khá giả trong làng. Với nguồn vốn vay 170 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông đã trồng được hơn 30 ha keo đã đến tuổi khai thác. Năm 2015 vừa qua, ông đã có thu nhập 330 triệu đồng từ việc bán một phần nhỏ diện tích keo nguyên liệu. Phần diện tích 30 ha còn lại, đã có người hỏi mua với giá hơn 1,2 tỷ đồng nhưng ông Sinh vẫn chưa muốn bán.
Chị Nguyễn Thị Kim, dân tộc Ca Dong ở xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng keo. |
Bốn người con của ông Sinh, mỗi người cũng có từ 8 đến trên 10 ha keo nguyên liệu đã đến tuổi khai thác. Học theo ông Sinh, cả thôn 3 có 170 hộ thì tất cả mọi gia đình đều vay vốn Ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế. Ông Hồ Trường Sinh cho biết, ở thôn 3, xã Trà Giang có 170 hộ gia đình, tất cả đều có vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng keo, chăn nuôi, cải tạo vườn nhà, vườn đồi. Đời sống của bà con ở đây khá lên nhiều, nhà nào cũng có xe máy, ti vi, tủ lạnh. Hộ ít nhất cũng bán được 30 triệu đồng mỗi vụ, hộ nhiều hơn thì có thu nhập tới 300-400 triệu đồng từ keo nguyên liệu và chăn nuôi.
Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách đã thật sự góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo bền vững cho đồng bào, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Chỉ riêng tại huyện Bắc Trà My hiện đã có 80/80 thôn có hoạt động tín dụng thông qua lực lượng và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua hoạt động tín dụng, Ngân hàng Chính sách huyện đã giải ngân trên 263 tỷ đồng để bà con đầu tư phát triển sản xuất. Từ chỗ khá xa lạ với việc sử dụng vốn vay ngân hàng, đến nay bà con đã chủ động đến Ngân hàng để được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng cây nguyên liệu. Toàn huyện có 13 xã, thị trấn, xã ít nhất có số dư nợ trên 9 tỷ đồng, xã nhiều nhất như Trà Dương, Trà Giang có số dư trên 32 tỷ đồng, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trong huyện mỗi năm giảm hơn 7%.
Ông Trần Đăng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Trà My cho biết: Trong số 10 chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn, hộ đồng bào chủ yếu vay để trồng keo nguyên liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải tạo vườn nhà, vườn đồi, xây dựng trang trại… Đến nay tổng dư nợ trên địa bàn huyện Bắc Trà My đạt gần 270 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng vốn vay để phát triển kinh tế của đồng bào, chấm dứt được tình trạng vay vốn bên ngoài với lãi suất cao. Nguồn vốn đã tạo thêm việc làm cho hàng nghìn hộ gia đình đồng bào, qua đó mỗi năm có thêm hàng trăm hộ thoát nghèo một cách bền vững.
Với mục tiêu đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo thêm việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, trong nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam đã cho hàng vạn lượt hộ đồng bào dân tộc ở 9 huyện miền núi trong tỉnh vay trên 1.400 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có hiệu quả nên tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,04%. Hàng nghìn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số từ chỗ đói nghèo nhờ được vay vốn và được giúp đỡ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo vườn tạp đã vươn lên trở thành những hộ khá giả. Ông Lê Hùng Lam, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Nguồn vốn của Ngân hàng chính sách đầu tư cho đồng bào trong những năm qua đã đạt được những kết quả tốt. Nguồn vốn của Nhà nước được an toàn, chất lượng tín dụng đảm bảo. Nợ quá hạn của 9 huyện miền núi chỉ hơn 200 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,04% trên tổng dư nợ. Nguồn vốn đã giúp cho đồng bào triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an sinh xã hội và giúp hàng nghìn hộ đồng bào thoát nghèo một cách bền vững”.
Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng chục mô hình sản xuất kinh doanh mới và có hiệu quả đã xuất hiện trên các xã vùng cao Quảng Nam và trở thành người bạn đồng hành của đồng bào trong hành trình vươn lên thoát nghèo bền vững.