Các chương trình, chính sách về giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Đảng, Nhà nước ban hành, triển khai có hiệu quả đang từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.
Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập trong công tác giảm nghèo cũng đang đặt ra. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhiều huyện vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao. Vòng luẩn quẩn thoát nghèo, tái nghèo vẫn là vấn đề bức thiết, đòi hỏi sớm có giải pháp tháo gỡ ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại các vùng “lõi nghèo”.
Nhằm phản ánh rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 3 bài viết: Thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bài 1: Tạo "bệ đỡ" giảm nghèo
Cùng với tăng trưởng kinh tế, Đảng, Nhà nước luôn đặt giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu. Quan điểm, chủ trương đó đã được thể hiện cụ thể bằng những nguồn lực ưu tiên cho giảm nghèo và các chương trình giảm nghèo. Chính bởi vậy, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn dưới 3%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,83%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra và tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đã giảm 4,89% (từ 25,91% xuống còn 21,02%).
“Thay da đổi thịt”
Sơn La - tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc. Các mô hình sinh kế cho người nghèo được lồng ghép vào hoạt động phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, mà còn khẳng định việc chú trọng phát triển nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn, hiệu quả của địa phương.
Điển hình như xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. Thay cho một thời chỉ toàn rừng nghèo thưa lá và rừng tái sinh, sinh kế của người dân là phát nương làm rẫy, nuôi trâu bò, hiện nay, vùng núi non nhiều khe hẹp với độ dốc cao đang là “thủ phủ” mận hậu của huyện Yên Châu. Cây mận hậu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho loại quả chín giòn, dóc hạt, có vị ngọt và hương thơm đặc trưng đã giúp người dân trong xã nói riêng và hàng ngàn hộ dân Yên Châu thoát nghèo bền vững.
Chia sẻ về niềm vui xóa đói, giảm nghèo trên vùng núi non này, ông Tráng Lao Khai, Trưởng bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài cho hay, cây mận hậu được đưa vào trồng ở xã Phiềng Khoài từ năm 1991. Do khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp với cây mận hậu, cùng với việc người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên cây mận có năng suất và chất lượng rất cao. Những năm gần đây, thương lái vào Phiêng Khoài thu mua mận với mức giá dao động trong khoảng 12.000 - 40.000 đồng/kg. Với trên 1ha mận, người dân có thể thu về gần 100 triệu đồng. Nhiều gia đình có thu nhập 200-500 triệu đồng/năm từ mận hậu.
“Việc chuyển đổi diện tích trước đây trồng các loại cây lương thực, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây mận hậu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mận hậu trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân Phiêng Khoài thoát nghèo bền vững. Cuộc sống của bà con đã no ấm hơn nhiều. Ở đây đã có những người là triệu phú, tỷ phú”, ông Tráng Lao Khai nói.
Đổi thay phát triển trên vùng núi Phiêng Khoài cũng là sự “thay da đổi thịt” tại huyện biên giới Yên Châu. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện là 43,17%. Đến hết năm 2022, toàn huyện còn hơn 4.800 hộ nghèo, chiếm hơn 25%. Năm 2023, huyện quyết tâm giảm số hộ nghèo trên địa bàn xuống chỉ còn khoảng 22%. Mục tiêu này hoàn thành sẽ góp phần quan trọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 của tỉnh Sơn La đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 14,83%; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo từ 4 - 5%.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu, toàn tỉnh Sơn La hiện có gần 85.000 ha cây ăn quả, sản lượng trên 452.000 tấn/năm. Diện tích mận hậu trên 12.300 ha, sản lượng gần 90.000 tấn. "Mận Sơn La" là một trong những sản phẩm nông sản, là tiềm năng, lợi thế của tỉnh, mô hình sinh kế giúp cho người nghèo thoát nghèo.
“Hiện nay, tỉnh Sơn La thúc đẩy phát triển logistics làm đòn bẩy cho hoạt động thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, trong đó có cây mận. Sơn La đã báo cáo Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng quy hoạch nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập ở huyện Mộc Châu nhằm tạo thêm cơ hội mới, thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản, từ đó đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Đặng Ngọc Hậu chia sẻ.
Những “con số biết nói”
Sự “thay da đổi thịt” của tỉnh biên giới Tây Bắc nhờ và các địa phương miền núi, biên giới trên cả nước đi đôi với công tác xóa đói, giảm nghèo của đất nước. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã thực hiện đồng bộ hàng loạt chủ trương, chiến lược về xóa đói, giảm nghèo để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương, giữa miền núi với miền xuôi.
Nổi bật là Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các chương trình thuộc Nghị quyết 30a. Năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025.
Quyết tâm chính trị giảm nghèo càng mạnh mẽ hơn nữa khi đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình đặt ra bốn chỉ tiêu cụ thể, trong đó tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm.
Hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Nguồn lực ưu tiên cho giảm nghèo và các chương trình giảm nghèo ngày càng tập trung. Nhờ đó, đời sống của người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng từng bước được cải thiện, nâng cao. An sinh xã hội luôn được đảm bảo. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được tăng cường. Khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp.
Điều đó đã được cụ thể bằng những “con số biết nói”. Đó là năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm trước, mặc dù chưa đạt so với kế hoạch giao là 1-1,5% nhưng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong vòng ba thập kỷ qua, kết quả giảm nghèo cũng khá tích cực trong bối cảnh kinh tế - xã hội cả nước gặp nhiều khó khăn.
Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,83% vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,17% và tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,89%. Năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,2%.
Đề cập đến Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng: Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đã có nhiều nỗ lực trong việc vươn lên thoát nghèo, thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 đã bước đầu có những hiệu quả nhất định thông qua việc tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân sống trên địa bàn các huyện nghèo được tiếp cận mô hình sản xuất có hiệu quả; được hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển sản xuất; đào tạo nâng cao trình độ cho người dân; các hoạt động truyền thông về giảm nghèo đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Từ đó, họ dần thay đổi thói quen sinh hoạt, phương thức sản xuất và chủ động vươn lên thoát nghèo…
Tuy nhiên, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nhìn nhận: Mặc dù công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu song thực tế cho thấy, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Về tổng thể vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc giảm nghèo bền vững khi phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; nhất là việc người lao động thiếu kỹ năng nghề nghiệp, khó tiếp cận việc làm…
Bài 2: Thách thức song hành cùng cơ hội