Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về tình trạng nhiều chuyến bay sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ bị chậm, hoãn, hủy chuyến, đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific đều khẳng định: Đây là năm đầu tiên các hãng phải đối diện với thực tế này và việc chậm, hoãn, hủy chuyến là bất khả kháng vì yêu cầu an toàn bay.
Lỗi tại thời tiết xấu
Qua đường dây nóng của báo Tin Tức, nhiều hành khách đi máy bay sau Tết bức xúc cho biết, nhiều chuyến bay tại các sân bay, đặc biệt là các sân bay phía Bắc đã buộc phải thay đổi lịch khởi hành, có chuyến phải dời lịch bay gần 10 giờ đồng hồ, khiến hàng nghìn người phải dồn ứ tại các nhà ga.
Rất đông hành khách phải chờ đợi tại sân bay Vinh do các chuyến bay bị chậm chuyến. |
Lý giải điều này, người phát ngôn Vietnam Airlines Lê Trường Giang cho biết: Mấy ngày qua, khối không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống đã ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Các sân bay như Điện Biên (Điện Biên), Cát Bi (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An) và Liên Khương (Đà Lạt)… bị sương mù dày đặc che phủ, khiến phi công phải bay nhiều vòng chờ mây, sương tan mới hạ cánh xuống được. Có thời điểm, nhiều máy bay không thể hạ cánh do sương mù không tan. Do đó, phi công buộc phải hạ cánh xuống các sân bay khác, vì máy bay không đủ nhiên liệu dự phòng. Hệ quả là nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy chuyến; dẫn đến tình trạng xáo trộn lịch bay tại nhiều sân bay.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) không xảy ra tình trạng ùn ứ hành khách do bị chậm, hoãn, hủy chuyến như sân bay các tỉnh miền Bắc. Tần suất các chuyến bay hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn dày đặc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. |
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận, lượng hành khách dồn ứ đông tại nhà ga các sân bay ngoài lý do thời tiết xấu khiến các chuyến bay bị chậm, hoãn, hủy chuyến còn do lượng khách đăng ký bay tăng mạnh sau dịp nghỉ Tết. Dịp Tết năm nay, lượng hành khách đi máy bay tăng hơn 8% so với Tết năm trước. Trong khi đó, năng lực phục vụ, cơ sở hạ tầng của các sân bay lại có hạn. Do vậy đã xảy ra tình trạng dồn ứ hành khách tại các nhà ga trong mấy ngày qua.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong dịp Tết Nguyên đán (28/1 - 9/2), các hãng hàng không đã có hơn 300 chuyến bay bị chậm chuyến (chiếm 7%), gần 60 chuyến bay bị hủy (1%) vì nhiều lý do khác nhau trong tổng số trên 4.650 chuyến bay. Hãng hàng không Jetstar Pacific dẫn đầu về tỷ lệ chậm chuyến; còn Vietjet Air có tỷ lệ hủy chuyến cao nhất trong dịp Tết.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết: Bộ GTVT đã có quy định, các hãng hàng không được miễn trách nhiệm trả tiền bồi thường trong trường hợp hủy chuyến do điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến khai thác an toàn bay. Ngay sau dịp nghỉ Tết, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành khẩn một chỉ thị gửi đến các hãng hàng không và đơn vị liên quan yêu cầu các hãng phải liên tục cập nhật thông tin về chuyến bay cho hành khách trong trường hợp chậm, hoãn, hủy chuyến, cũng như các phương án giải quyết trong trường hợp thời gian và phương thức bay của các chuyến bay bị thay đổi.
Chậm, hoãn, hủy là bất khả kháng
Không ít hành khách bức xúc cho biết, việc chậm, hoãn, hủy các chuyến bay đã làm ảnh hưởng đến công việc của mình. Thậm chí, nhiều trường hợp hành khách là trẻ em, người già bị chậm lại sân bay nhiều giờ đồng hồ, phải nằm vạ vật tại phòng chờ; có người đã bị cảm lạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nhiều hành khách cho biết, họ không nhận được sự hỗ trợ từ các hãng hàng không khi các chuyến bay bị chậm, hoãn, hủy chuyến. Không những thế, hành khách cũng không nhận được thái độ hợp tác của nhân viên phục vụ tại sân bay khi họ đưa ra yêu cầu trợ giúp.
“Nhiều năm nay, số lượng hành khách đi máy bay gia tăng, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết. Tuy nhiên, ngành hàng không lại chưa đưa ra được những giải pháp để giảm bớt những phiền toái cho hành khách. Hành khách chúng tôi cần sự đối xử chu đáo hơn từ phía các hãng hàng không; từ đó chúng tôi mới sẵn sàng chia sẻ, hợp tác và cảm thông hơn với các hãng khi xảy ra các tình huống bất khả kháng như thế này”, một hành khách chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này vào ngày 11/2, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài Nguyễn Huy Dương cho biết: Việc chậm, hoãn, hủy các chuyến bay là do yêu cầu an toàn vận chuyển và lịch điều tiết bay của các hãng hàng không qua cảng. Cảng Nội Bài luôn tạo mọi điều kiện đảm bảo an toàn, thuận tiện về mặt bằng, đi lại, dịch vụ ăn uống cho hành khách khi khách phải chờ đợi tại sân này trong trường hợp chuyến bay bị chậm, hoãn, hủy chuyến. Tuy nhiên, lượng hành khách bị dồn ứ tại cảng đông nên cảng khó có thể bao quát được hết.
Các hãng hàng không khác cũng cho rằng, tình trạng chậm, hoãn, hủy các chuyến bay từ các sân bay do điều kiện thời tiết là bất khả kháng vì yêu cầu an toàn bay. Việc này không chỉ đẩy hành khách rơi vào cảnh vạ vật chờ đợi tại các nhà ga mà còn gây thiệt hại lớn cho các hãng hàng không. Gió mùa đông bắc tạo ra nhiều lớp sương mù dày đặc không chỉ ảnh hưởng đến mức độ an toàn của các chuyến bay mà còn làm phát sinh thêm chi phí cho các hãng hàng không vì các chuyến bay phải đổi hướng, cất hạ cánh tại các sân bay trái tuyến. Thậm chí, nhiều trường hợp, các hãng phải cho máy bay bay không tải (không có khách) để đi đón khách tại các sân bay khác, với mức chi phí phát sinh lên đến hàng trăm triệu đồng/chuyến.
Tiến Hiếu