Gia tăng các bệnh tiêu hóa, hô hấp
Tại bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, trẻ đến khám các bệnh liên quan đến tiêu hóa, hô hấp tăng. Theo thống kê của bệnh viện, trong tháng 2, bệnh viện ghi nhận chỉ có 4.000 trẻ nhập viện; nhưng chỉ hơn hai tuần đầu tháng 3, số trẻ nhập viện đã lên đến 3.636 trẻ nhập viện. Dự báo trong thời gian tới, trẻ đến khám và nhập viện do các bệnh liên quan đến nắng nóng sẽ còn tăng.
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Phó khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, số trẻ đến khám bệnh liên quan đến thời tiết năng nóng đang gia tăng. Trẻ nhập viện liên quan đến thời tiết nắng nóng chủ yếu rơi vào các nhóm bệnh như tiêu hóa, hô hấp, nhiễm siêu vi, cảm cúm và các bệnh về da. Cụ thể sáng 19/3, trong số 20 trẻ đến khám bệnh có đến 10 -12 trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
Bác sĩ Tăng Lê Châu Ngọc, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cho biết, thời tiết nắng nóng đồ ăn dễ bị ôi thiu, vi khuẩn tấn công nên tỷ lệ trẻ nhiễm các bệnh đường tiêu hóa tăng cao. Theo đó, trung bình mỗi ngày tại khoa điều trị cho khoảng 40 -60 ca, trong đó có 3 -5 trẻ bị mất nước nặng. “Với thời tiết nắng nóng, số lượng trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa sẽ tăng mạnh trong những tuần sắp tới”, bác sĩ Châu Ngọc thông tin.
Bác sĩ Tăng Lê Châu Ngọc khuyến cáo, nắng nóng, tỷ lệ trẻ viêm nhiễm đường tiêu hóa khá cao nên phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có biểu hiện sốt, nôn ói… nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để thăm khám, điều trị thích hợp; tránh trường hợp nghĩ rằng bé sốt do cảm nắng thông thường, để ở nhà tự theo dõi dễ dẫn đến việc trẻ nhập viện muộn, dẫn đến nhiều biến chứng đáng tiếc.
Không chỉ trẻ em mà người cao tuổi và những người mắc các bệnh lý nền cũng dễ bị “đổ bệnh”. Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng cũng làm cho người già và những người có bệnh lý về tim mạch tăng huyết áp kịch phát. Với người già, chỉ cần ra đường vào thời điểm nắng nóng có thể gây ra rối loạn mạch, đặc biệt là tình trạng mất nước (do lượng nước trong cơ thể người lớn tuổi ít hơn người trẻ, nên vào mùa hè người già dễ bị mất nước).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, cho biết mỗi năm vào các giai đoạn thời tiết nắng nóng, số người cao tuổi nhập viện thường tăng từ 5-10%. Hiện tại mỗi ngày, khoa Tim mạch và khoa Hô hấp đều tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến thăm khám, điều trị…
“Nắng nóng có thể gây mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Do đó, không nên ra khỏi nhà khi trời nắng nóng. Trường hợp phải ra khỏi nhà, cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo chống nắng, sử dụng kem chống nắng. Người lớn tuổi có bệnh lý nền cần khám định kỳ. Người dân nên ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể vào những ngày thời tiết nắng nóng”, bác sĩ Vũ lưu ý.
Dễ mắc các bệnh về da, bị phỏng da
Các bác sĩ cho biết thêm, bên cạnh các bệnh về tiêu hóa, đường hô hấp thì trẻ còn dễ mắc các bệnh về da khi thời tiết nắng nóng như rôm sảy, hăm kẽ, mụn nước, bóng nước, chàm. Nặng hơn, da trẻ dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn gây bệnh (cầu khuẩn) gây nhọt, u mềm lây, thủy đậu...
Theo đó, các bác sĩ lưu ý, mùa nắng nóng trẻ dễ đổ mồ hôi nên phụ huynh nên chuẩn bị các loại khăn bông vải mềm để giúp bé thấm mồ hôi. Lưu ý không nên dùng quạt máy để giúp bé của bạn làm mát vì nó có thể khiến bé khô da và mất nước; nên tắm cho bé thường xuyên hơn so với mùa lạnh, tuy nhiên không nên tắm quá nhiều lần. Nên tắm nước ấm cho trẻ hoặc chuẩn bị nước tắm với các loại dầu và hương dành riêng cho bé. Tuyệt đối không tắm nước lạnh cho bé. Và sau khi tắm phải lau khô bé thật nhanh và thật kỹ; dùng các loại kem phấn dành cho trẻ em để bảo vệ da cho bé.
Do mùa nắng nóng cũng là mùa sinh sản của các loại côn trùng, phụ huynh hãy tham vấn bác sĩ nhi khoa về các loại kem chống côn trùng cho bé của bạn. Chọn quần áo phù hợp mùa nóng cho trẻ. Theo đó, cho bé mặc các loại quần áo vải bông nhẹ thoáng và sáng màu, thay quần áo thường xuyên cho bé khi trời nóng. Vì quần áo nhớp mồ hôi cũng sẽ khiến trẻ dễ bị các bệnh ngoài da do hâm hoặc nấm.
Tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời trong thời gian từ 10- 16 giờ vì khoảng thời gian này có nhiều tia bức xạ nguy hại. Khi cần ra ngoài, nhắc trẻ đội nón rộng vành. Cho trẻ uống khoảng 50-60ml nước tính trên mỗi ký cân nặng của trẻ trong 24 giờ.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, bức xạ tia cực tím (UV) tại TP Hồ Chí Minh đang ở mức 10 (rất cao) có thể gây phỏng da nếu tiếp xúc liên tục trong 25 phút mà không có các biện pháp bảo vệ cơ thể. Bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh, cho biết điều kiện thời tiết nắng nóng khiến tuyến bã nhờn trên mặt tiết ra rất nhiều, làm khuôn mặt lúc nào trông cũng bóng nhầy, mất thẩm mỹ hoặc thậm chí gây ra hay làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá sẵn có. Bên cạnh đó, khi chỉ số UV cao có thể gây bỏng nắng, đỏ rát và nám da, nghiêm trọng hơn về lâu dài có thể dẫn đến ung thư da.
Theo đó, trong những ngày nắng nóng, người dân cần đặc biệt tuân thủ các biện pháp bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời, nhất là trong khung giờ cao điểm. Nên sử dụng nón rộng vành, kính mát, khẩu trang dày, quần áo dài tay… Bên cạnh đó, cần tuân thủ bôi kem chống nắng đúng và đủ cho cả mặt và cơ thể. Uống nước nhiều và cố gắng tranh thủ bóng râm khi có thể cũng giúp bảo vệ da tốt hơn trong mùa nắng nóng.
Bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú cho biết thêm, với những trường hợp bị cháy nắng, bỏng nắng nhẹ, chúng ta hãy lập tức tìm bóng râm, vào nơi mát mẻ để trú ngụ, hạn chế tuyệt đối ra nắng vào những ngày sau đó, bôi dưỡng ẩm chứa các thành phần axit hyaluronic, vitamin C, trà xanh… để làm dịu cảm giác bỏng nắng và giúp tái tạo, phục hồi lại làn da tốt hơn. Trong những trường hợp bỏng nắng nặng, có thương tổn rộp nước, trợt da, đau rát dữ dội, nên đi khám da liễu để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.