Nhanh chóng sau tai họa vỡ đường kênh chìm của thủy điện Đam Bol (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), chúng tôi có mặt ở hiện trường này. Toàn bộ thung lũng của những dãy đồi tại thôn 4 xã Lộc Bắc vẫn ngổn ngang như bãi chiến trường.
Dấu ấn tan hoang của sự tàn phá khủng khiếp vẫn in hằn; ba căn nhà bị dòng chảy cuốn trôi và nhấn chìm trong đất chỉ còn lại chơ vơ vài tấm tôn lộ thiên; hàng trăm người dân vẫn đỏ mắt, hồi hộp trông tin tìm thấy thi thể chị Vũ Thị Lương – nạn nhân mất tích trong tai họa này – nhưng vô vọng… Rất nhiều người dân đã gặp phóng viên TTXVN và bày tỏ: đáng lẽ tai họa này đã không xảy ra.
Đứng từ trên cao nhìn xuống thung lũng mới thấy sự tàn phá khủng khiếp của sức nước vỡ ống dẫn nước thủy điện. Một nửa quả đồi đã bị cắt đôi. Ông Nguyễn Hồng Vân – một người dân trực tiếp chứng kiến thảm họa kể: “Lúc ống vỡ, tôi đang làm trong vườn cà phê chỉ cách dòng chảy khoảng trăm mét. Sau khi có một tiếng nổ như sấm vang lên, nước và bùn đất tuôn xuống xối xả như sóng thần.
Tôi chỉ kịp kéo vợ chạy lên dốc thoát thân…”. Tuy nhiên đã có 6 người không may mắn như ông Vân, ngoài cháu Trung đã bị nước và đất nhấn chìm gây tử vong, chị Vũ Thị Lương hiện vẫn chưa tìm thấy thi thể còn có 5 người khác hiện đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng. 10 giờ ngày 15/6, khi chúng tôi có mặt ở nhà anh Trần Văn Cường – bố đẻ cháu Trung thì cũng là lúc gia đình và bà con chuẩn bị đưa cháu ra nghĩa trang.
Sự cố thủy điện Đam Bol đối với người dân nơi đây thật quá lớn, toàn bộ tài sản nhà của, nông sản cũng đã tiêu tan trong chốc lát. Chị Nguyễn Thị Quận, một người dân khác bị ảnh hưởng bởi sự cố cho biết thêm: “Gia đình tôi có 2 áo cá, được nuôi từ năm 2010 cùng với 4 ha cà phê đang cho thu hoạch cũng bị đất chôn lấp hết”.
Mất mát lớn nhất trong tai họa Đam Bol là gia đình anh Trần Văn Cường với 4 người bị nạn. Đến chiều 15/6, vợ anh Cường là Vũ Thị Hòa cùng 2 con Trần Thị Bích Hiếu, Trần Văn Thành đều đang được cấp cứu tại bệnh viện và chưa biết thông tin con đầu là cháu Trung đã phải đưa ra nghĩa trang.
Những tai nạn đau lòng nói trên sẽ được đề phòng, sẽ không xảy ra nếu công ty Bảo Tân là nhà đầu tư thủy điện Đam Bol cẩn trọng hơn với công trình của mình. Đó là nhận định của rất nhiều người dân địa phương và cả những người đã và đang đau đớn vì mất người thân.
Ngồi bên quan tài của con trai mình, anh Trần Văn Cường nói: “Cách đây hai tháng (tháng 4/2011 – PV), đường mương chìm dẫn nước cho tháp thủy áp của thủy điện Đam Bol đã xảy ra hiện tượng rò rỉ nước. Chính tôi là người được những người thi công gia cố rò rỉ thuê bơm nước để phục vụ xử lý vật liệu gia cố”. Cùng quan điểm nhận định này, ông K’Tư – Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc cho biết thêm “Tôi từng nghe người dân nói rằng, bà Ka Hiệp – một hộ dân làm cà phê ở ngay điểm đứt gãy của đường mương chìm đã từng sử dụng nước rò rỉ từ đường ống để tắm.
Vì tôi không tin nên không cảnh báo dân. Đó là nguyên nhân của tai họa này”. Ông Nguyễn Hồng Vân, người đàn ông trực tiếp chứng kiến sự cố nói trên cũng nói: “Từ khi thi công đường ống bằng nhựa, người dân ở đây đã rất sợ sự cố vỡ, bể ống. Ai cũng mong đường ống được làm bằng sắt sẽ an toàn hơn và mới đủ chịu lực nhưng người nông dân không thể bày tỏ nguyện vọng được”.
Trước những ý kiến nói trên và thực tế thảm họa tại hiện trường, chúng tôi đã trao đổi với ông Đinh Thanh Tưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Bảo Tân, chủ dự án thủy điện Đam Bol nhưng ông Tưng vẫn khẳng định: “Các kỹ sư tư vấn, thiết kế dự án đã cam đoan chắc chắn an toàn khi thiết kế ống nhựa dẫn nước” (?).
Giải thích về sự cố, ông Tưng nói rằng: “Có thể do việc đào hồ tích nước phục vụ canh tác nông nghiệp của người dân ở chân núi đã gây yếu nền móng đất phía dưới đường ống, gây bục vỡ”. Thực tế, sau khi sự cố vỡ nát đường ống nhựa với đường kính 1,6 mét xảy ra, người dân ở đây mới bất ngờ vì toàn bộ phần đường ống này đã được thi công trực tiếp trên đất ba dan và được phủ đất chìm ở độ sâu 1,5 mét mà không hề có đường móng bê tông làm giá đỡ.
Với lưu lượng thiết kế chảy 3,5 m3/giây, khối nước chảy liên tục lưng chừng núi với cả chục nóc nhà dân ở dưới là một thực tế nguy hiểm luôn lơ lửng.
Đến 15 giờ ngày 15/6, nạn nhân Vũ Thị Lương vẫn chưa được tìm thấy, cháu Trần Văn Trung đã được an táng và 3 người thân của cháu vẫn đang nguy kịch.
Hiện trường vẫn đang nguyên dấu tan hoang. Việc khẩn trương tìm ra nguyên nhân sự cố để làm yên lòng dân, để rút kinh nghiệm cho những dự án tương tự là điều mà các cơ quan chức năng địa phương cần khẩn trương vào cuộc.
Sơn Tùng – Đặng Tuấn