Thông tin thêm về các trận mưa đá hiếm thấy tại Lai Châu

Ngày 3/3, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra nhiều trận mưa đá kèm theo giông lốc đã gây thiệt hại nặng về nhà cửa, tài sản và hoa màu của nhân dân.

Chú thích ảnh
Mưa đá dày đặc tại các xã biên giới huyện Phong Thổ, độ dày của đá phủ khoảng hơn 10 cm trên bề mặt đất. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ (Lai Châu) Vương Thế Mẫn, sáng 3/3, mưa đá lớn xuất hiện tại 3 xã vùng cao Dào San, Tung Qua Lìn, Mù Sang và kéo dài khoảng 30 phút với kích thước hạt đá hơn 2cm khiến nhiều ngôi nhà bị thủng mái, diện tích lớn hoa màu bị dập nát; độ dày của hạt đá trên mặt đất lên tới gần 10 cm nên ảnh hưởng lớn đến giao thông. Rất may không có thiệt hại về người, gia súc, gia cầm.

Theo người dân, mưa đá thường xuyên xuất hiện trên địa bàn, nhưng đây là lần đầu tiên mưa đá lớn với mật độ dày như vậy.

Ngay sau trận mưa đá, UBND huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các xã cử cán bộ nhanh chóng đến các bản nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan điện lực, Đồn Biên phòng Dào San dọn dẹp đường trung tâm xã để khai thông lối đi và thống kê thiệt hại về tài sản của người dân. 

Trước đó, khoảng 4 giờ 30 phút, một trận mưa đá lớn kèm theo gió lốc xảy ra tại thành phố Lai Châu gây thiệt hại nhiều về nhà cửa, cây cối, hoa màu. Mưa đá kéo dài khoảng 20 phút, kèm theo gió to đã làm đổ, gãy cây xanh trên một số tuyến phố, biển quảng cáo, tốc mái một số nhà dân. Đặc biệt, một số nơi như phường Đông Phong, xã San Thàng xuất hiện mưa đá có đường kính từ 2 - 3cm, kèm theo gió to, làm dập nát nhiều diện tích hoa và rau màu của nông dân.

Tại huyện Mường Tè (Lai Châu), vào lúc 2 giờ 30 phút, khu vực thị trấn và các xã lân cận cũng xuất hiện mưa đá kéo dài khoảng 10 phút, bước đầu xác nhận chỉ có thiệt hại về hoa màu và chính quyền đang chỉ đạo các xã thông kê, tổ chức khắc phục.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, tính đến 14 giờ 30 ngày 3/3, mưa đá, gió lốc đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương. Trong đó, thống kê tại huyện Tân Uyên và Phong Thổ đã có hơn 530 hộ bị bay mái nhà và vỡ ngói; hơn 70 ha lúa, chè và hoa màu bị dập nát... ước tính thiệt hại trên 6 tỷ đồng.

Hiện nay, công tác khắc phục và thống kê thiệt hại đang được chính quyền các địa phương chỉ đạo thực hiện. Gần 130 hộ có nhà bị vỡ ngói, tốc mái hoàn toàn, đã được vận động và hỗ trợ chuyển đến ở nhờ nhà người thân. Các hộ bị thiệt hại một phần mái nhà được vận động tự khắc phục, sửa chữa để sớm ổn định cuộc sống.

Chính quyền các địa phương khuyến cáo nhân dân thu hoạch sớm để hạn chế thiệt hại về kinh tế đối với các diện tích cây trồng bị ảnh hưởng và làm đất sớm, chuẩn bị canh tác cho mùa vụ tiếp theo trên các diện tích cây trồng theo mùa vụ, dài ngày.

Trước đó, TTXVN đã đưa thông tin ban đầu về mưa đá, dông lốc bất ngờ xảy ra chiều tối 2/3 và sáng 3/3 tại Lai Châu.

Tin, ảnh: Việt Hoàng  (TTXVN)
Tình trạng mưa lớn, mưa đá tại Bắc Bộ có thể duy trì 1 - 2 ngày tới
Tình trạng mưa lớn, mưa đá tại Bắc Bộ có thể duy trì 1 - 2 ngày tới

Theo TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, khả năng mưa lớn và mưa đá ở một số nơi tại Bắc Bộ sẽ duy trì hết ngày 4/3. Đến ngày 5/3 sẽ giảm hẳn, hầu như không còn mưa dông ở Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN