Người dân chờ đón thời khắc giao thừa. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Như hàng vạn gia đình người Hà Nội, tối 30 tháng Chạp, gia đình anh Bùi Duy Linh ở phố Hàm Long quây quần bên bữa cơm tất niên. Gần đó, chiếc tivi chiếu hình ảnh dàn Táo quân rộn ràng lên chầu Ngọc Hoàng. Bên sắc hồng phớt của hoa đào hòa quyện cùng hương hoa ly, hoa lay ơn thoang thoảng là tiếng cười nói tâm tình, tiếng chạm ly chúc sức khỏe. Mùi Tết ấm áp lan tỏa trong ngôi nhà ba thế hệ với 11 người.
Rôm rả trò chuyện về đổi thay của quê hương, trong mắt anh Bùi Duy Linh - người hai mươi tư năm sống và làm việc ở Dublin (Cộng hòa Ai len) rồi London (Anh quốc), vùng đất ba sáu phố phường phát triển nhanh quá, nhất là hạ tầng. Những cây cầu hiện đại như Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Đông Trù, những con đường mới mở rộng thênh thang, những cao ốc, những khu đô thị cao cấp đua nhau mọc lên. Đặc biệt, sự hình thành của tuyến đường sắt Đô thị Hà Nội với tổng chiều dài khoảng 318 km đang tạo diện mạo khang trang cho Hà Nội. “Bốn năm trước tôi về Hà Nội thấy khác, giờ lại khác. Tiềm năng và nguồn lực của đất nước, của thành phố thật mạnh mẽ”, anh Linh thán phục.
Nhưng sau những đổi thay đáng khích lệ, người đàn ông 40 tuổi gốc Hà Nội bộc lộ nhiều băn khoăn. Thành phố như "đại công trường" ngổn ngang, lộn xộn trong xây dựng. Phổ biến ở nội đô là tình trạng mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, nhất là sự tồn tại qua hàng thập niên của những chiếc xe thô sơ gom rác cao hơn đầu người, xe ô tô chở rác bốc mùi hôi vừa đi vừa nhỏ nước bẩn ra đường. “Nhẽ nào Hà Nội thanh lịch không chịu cơ giới hóa việc thu gom rác, không thấy “xấu hổ” với những luộm thuộm đó?”, anh Bùi Duy Linh trăn trở.
Người dân chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc lung linh đêm giao thừa. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Không riêng anh Bùi Duy Linh, nhiều người Hà thành bên mâm cơm cuối năm, kiểm điểm những thành bại, vui buồn cũng gợn suy tư về những tồn tại trong phát triển đô thị của Thủ đô. Đó là mâu thuẫn giữa đòi hỏi cộng đồng dân cư xây dựng nếp sống đô thị văn minh, hiện đại, ngăn nắp với áp lực từ dân nhập cư ngoại tỉnh ngày càng đông kéo theo một bộ phận cư dân thiếu hoặc chưa hình thành thói quen, nếp sống của cư dân đô thị. Đó là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhu cầu lớn về giao thông tĩnh.
Như băn khoăn của một phụ nữ Hà Nội, chị Nguyễn Thủy Hồng, Giám đốc Công ty TNHH ATP ở Trung Kính, Cầu Giấy. Nhằm giảm tải hạ tầng, giảm áp lực giao thông cho nội đô, Chính phủ quyết định di dời trụ sở hàng chục bộ, ngành. Nhưng 15 năm qua, chủ trương này vẫn chưa thành hiện thực, thêm đó, những cao ốc mọc lên băm nát quy hoạch thành phố. "Cứ như này thì ước mơ biến Hà Nội thành đô thị xinh đẹp, văn minh như Paris sẽ mãi không thành. Vào thời khắc này, tôi ước nguyện, chính quyền các cấp và mỗi người dân cần hành động để khát vọng đó thành sự thật”, chị Thủy Hồng bày tỏ.
Đồng hồ điểm 21 giờ. Tạm gác những trăn trở về sự phát triển đô thị của Hà Nội, gia đình anh Bùi Duy Linh, gia đình chị Nguyễn Thủy Hồng cũng như hàng vạn gia đình ở Thủ đô rộn ràng xuống phố. Trong bộ quần áo đẹp nhất, ai cũng muốn mình thật tươi tắn, phấn khởi trong đêm giao thừa. Ai cũng náo nức chờ giây phút bầu trời đêm lung linh rực sáng pháo hoa để ước nguyện điều tốt đẹp nhất cho một năm mới.
Có thể hiểu được niềm vui đó. Năm qua, người dân và chính quyền thành phố, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô đã cùng nhau tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội. Điển hình là số thu ngân sách tăng mạnh so với năm trước và vượt 2.856 tỷ đồng so với dự toán Hội đồng nhân dân giao. Chỉ số cải cách hành chính của thành phố xếp thứ 3 cả nước và lần đầu tiên, Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt. Năm 2017, Thủ đô nằm trong top 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và tiếp tục là điểm đến an toàn, bình yên, tin cậy của các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.
Năm Mậu Tuất dự báo nhiều vận hội và cả những gập ghềnh. Nhưng toàn hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân thành phố vững tin sẽ vượt qua thách thức, hoàn thành toàn bộ 20 chỉ tiêu phát triển. Sự tăng trưởng sẽ hướng về chất. Niềm tin đó đến từ những thành quả năm trước và nội lực của Hà Nội với lợi thế từ nguồn nhân lực quy mô lớn, chất lượng cao cùng những nỗ lực không mệt mỏi của thành phố trong cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Niềm tin đó cũng dựa trên cơ sở mới đây, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hà Nội, ông Đỗ Ngọc Khải thông báo: Tháng đầu năm 2018, thành phố có những dấu hiệu tích cực, lạc quan. Các chỉ số kinh tế duy trì được mức tăng trưởng khá. Nổi bật là sản xuất công nghiệp tăng 14,7%, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách đạt 2.276 tỷ tăng 29%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,9%, trị giá xuất khẩu tăng 24% và trị giá nhập khẩu tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tiết mục văn nghệ tại hồ Hoàn Kiếm lúc trước giao thừa. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Hà Nội tối nay thật đẹp. Sắc xuân ngập tràn phố phường. Đây là hoa, kia là nhạc cùng người. Bờ Hồ như thường lệ vẫn là nơi lộng lẫy, đông người nhất. Các đôi nam thanh nữ tú, những gia đình nhiều thế hệ bước chậm rãi bên nhau. Họ vừa ngắm nét cổ kính của mảnh đất kinh kỳ vừa đợi thời khắc đất trời chuyển giao. Tại tượng đài Lý Thái Tổ, du khách nước ngoài đi dạo phố, ngắm cảnh thích thú đứng quan sát các bô lão đang chuẩn bị nghi thức dâng hương. Phía trước cửa đền Bà Kiệu, nhiều người dân vây quanh xem ông đồ Tư với chòm râu bạc trắng như cước ngồi thư thái viết thư pháp. Ở quảng trường Cách mạng Tháng Tám, chương trình ca múa nhạc ngoài trời mang đậm nét văn hóa dân tộc cũng hấp dẫn hàng trăm người xem.
Trong nhịp sôi động đó, Hà Nội vẫn có những góc sâu lắng với độ lùi thời gian. Một trong những góc đó là ngôi nhà nhỏ gần trụ sở UBND xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, của đại tá Vũ Văn Khoát. Khoảnh khắc này, trái tim người lính già tham gia một mùa xuân rực lửa trên chiến trường miền Nam trong Trung đoàn 27, Sư đoàn 312 lại đập những nhịp xúc động, day dứt. Gần hai trăm đồng đội, đồng chí của ông đã nằm xuống trên đất Gio Linh, Quảng Trị những ngày Mậu Thân 19. Người anh họ của ông cũng thành liệt sỹ trong mùa xuân ấy ở ngoại ô Sài Gòn.
Những nhịp đập từ trái tim người lính tóc phủ mầu thời gian nói rằng, sự hy sinh to lớn ấy là của Hà Nội - Miền Bắc, hậu phương lớn cho “thành đồng, lũy thép” tiền tuyến lớn Miền Nam ruột thịt. Chỉ riêng cho mùa xuân 50 năm trước, hơn 24 vạn thanh niên ưu tú miền Bắc đã cầm súng vào Nam chiến đấu vì một niềm tin độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Trong hàng chục vạn người con đó và 7 năm sau mùa xuân ấy, biết bao người đã không trở về sau hòa bình năm 1975, mãi mãi tuổi hai mươi. Nhịp đập đó cũng nhắc rằng, những hy sinh, gian khổ nhiều thập niên qua cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, kiến thiết đất nước mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dũng cảm gánh chịu, cùng nhau vượt qua đang đơm hoa kết trái.
Đồng hồ nhà vị đại tá già đang đếm từng giây trôi qua để bước sang năm mới. Từ khoảnh sân trước cửa nhà ông ra triền đê Lương Phúc ở ven sông Cầu, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, đến ba mươi sáu phố “Hàng”, những cành cây khẳng khiu đã rụng chiếc lá cũ để nẩy những chồi non và nụ hồng cũng bắt đầu hé mở. Mầm xuân đang cựa mình thức dậy, tràn đầy nhựa sống, hứa hẹn sẽ đem đến nhiều hoa thơm trái ngọt, xứng đáng với những mùa xuân rực lửa, hiển hách chiến công từ “những buổi ngày xưa vọng nói về”.
Tờ lịch cuối cùng của năm cũ Đinh Dậu đã bóc đi. Tân niên Mậu Tuất 2018 sắp mở ra. Thấp thoáng nơi ô cửa, các gia đình người Hà Nội đang chuẩn bị nghi lễ gia tiên cúng giao thừa. Đứng trước ban thờ, ai cũng tôn nghiêm, thành kính. Những làn hương mỏng bay lên, quyện vào nhau trên mâm đồ lễ như chứng kiến khoảnh khắc đất trời giao hòa và thành tâm của mỗi gia chủ.
Và không gian đâu đó có những lời ca tình cảm vang lên xao xuyến, thôi thúc: “Em ơi, nghe chăng mùa xuân. Mùa xuân hát ở trong lòng, đất nước với sức sống mới như chim én bay trên trời cao. Mùa Xuân lại đến với những tiếng hát bát ngát, với những con người, cuộc đời mang tim say trong tương lai…”.