Thị trường nhà thu nhập thấp (NTNT) bắt đầu trở nên sôi động khi Công ty Cổ phần Xây dựng Bê tông Xuân Mai bước vào giai đoạn xét duyệt hồ sơ các đối tượng mua nhà. Có một nghịch lý khó lý giải: Phải là người có thu nhập cao mới đủ điều kiện mua nhà thu nhập thấp!
Tiêu chuẩn “tréo ngoe” thực tế
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), người có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên thì phải nộp thuế TNCN. Điều này cũng có nghĩa rằng, người có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên đã bị “liệt” vào danh sách người có thu nhập cao. Mà đã là người có thu nhập cao thì đương nhiên không được mua nhà dành cho người thu nhập thấp (TNT).
Thế nhưng anh Ngô Cao Thắng, công tác tại Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng, kể cả người có thu nhập cao (biên độ từ 6 – 7 triệu đồng/tháng) cũng không dễ có đủ tiền để mua NTNT dù với giá 500 triệu đồng chứ chưa nói đến chuyện người TNT. "Giả sử một người hưởng lương ngân sách đã đạt mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng, nghĩa là người này đã có thâm niên công tác khoảng 15 – 20 năm.
Một góc khu chung cư tại lô 19A Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) đáp ứng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Nhưng ở tuổi này, người như vậy cũng đã có gia đình và một gia đình thì phải chi nhiều khoản tốn kém hơn so với khi còn độc thân. Với các chi phí hiện nay ở Hà Nội, một gia đình có hai vợ chồng hưởng lương ngân sách, cùng có thu nhập 6 – 7 triệu đồng/tháng (tổng cộng 12 – 14 triệu đồng/tháng), tiết kiệm tối đa cũng chỉ dư khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nếu tiết kiệm tới 5 triệu đồng/tháng để mua nhà thì gia đình phải “ăn dè, hà tiện” trong khoảng 15 năm. Nhưng liệu số tiền tiết kiệm trong 15 năm sau đó có mua được NTNT hay không? Không ai dám chắc khi mà giá cả cứ tăng như mấy năm qua".
"Với mức giá hơn 500 triệu đồng/căn có thể khẳng định rằng, chỉ người có TNT (dưới 5 triệu đồng/tháng) mới được mua loại nhà của công ty nói trên, tôi e rằng chẳng có ai đúng. Vì người đủ tiền mua NTNT thì đã thuộc loại thu nhập cao. Còn người đúng TNT thì không thể có tiền để mua nhà”, anh Thắng nói.
Cần hợp lực
Mang câu chuyện “tréo ngoe” nêu trên đặt vấn đề với một cán bộ công tác tại Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, cán bộ này thừa nhận: Đúng là mâu thuẫn nhưng buộc phải chấp nhận vì chưa có giải pháp nào khác.
Vị cán bộ trên (xin không nêu tên) cho rằng, cần phải có cách tiếp cận khác từ chính sách đến hành động thì những người TNT mới thực sự hy vọng có nhà trong khoảng thời gian 5 – 10 năm tới. Ở các nước, họ huy động cả 3 nguồn lực hợp sức: Nhà nước – doanh nghiệp – người có nhu cầu nên chương trình phát triển rất nhanh, hiệu quả.
Vẫn theo vị cán bộ này, trên thực tế, chỉ riêng mức lãi suất hiện nay đã khiến cả doanh nghiệp xây dựng và người có nhu cầu mua nhà cùng khó khăn.
Trước hết, đối với doanh nghiệp, muốn xây NTNT thì chỉ được ưu đãi thuế, tạo điều kiện về đất. Còn vốn để xây dựng vẫn phải vay ngân hàng theo lãi suất thương mại. Với mức vay thỏa thuận khoảng 20%/năm hiện nay, nhà xây nhanh cũng phải mất 2 năm (Công ty Bê tông Xuân Mai), còn các doanh nghiệp không có điều kiện bê tông đúc sẵn như Xuân Mai thì có thể phải đến 3 năm. Như vậy, để xây một tòa nhà cho người TNT với vốn xây khoảng 100 tỉ đồng, tiền lãi 2 năm đã đội lên 40 tỉ đồng, nếu 3 năm là 60 tỉ đồng, chưa kể nguyên vật liệu sẽ biến động. Không thể vay vốn với lãi suất cao, cũng không thể tính được biến động sẽ ra sao nên đây là cái khó đối với doanh nghiệp muốn xây NTNT.
Thứ hai, phía người có TNT, để mua một căn hộ giá 500 triệu đồng, đóng tiền theo 3 giai đoạn, nếu đóng 30% giai đoạn 1 khoảng hơn 150 triệu đồng thì tiền lãi 1 năm là 30 triệu đồng. Trong khi với thu nhập là 4 triệu đồng/tháng (cả năm đạt 48 triệu đồng), trả lãi đã mất 30 triệu, chỉ còn 18 triệu đồng để sống. Dù có thắt lưng buộc bụng được 1 năm, tới năm sau, khi doanh nghiệp giục đóng tiền đợt 2 thì liệu người TNT có đủ tiền để đóng?
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, chính cơ chế và chính sách nhà ở hiện nay đang gây khó cho việc phát triển phân khúc NTNT. Chúng ta đều thấy người đang có TNT sẽ chỉ dám thuê, thuê mua loại nhà ở vừa túi tiền. Như vậy, nếu họ còn độc thân, sẽ chỉ thuê nhà tối đa khoảng 1 triệu đồng/tháng. Còn thuê mua cũng chỉ dám “đặt cọc” với những căn hộ giá khoảng 300 triệu đồng/căn. Vậy tại sao chính sách nhà ở không cho phát triển loại căn hộ vừa với túi tiền của người TNT? Ví như giải pháp xây những tòa nhà cho người TNT diện tích ở là 20 m2, còn vệ sinh là khu vực chung? Điều này giúp NTNT giảm giá thành, phù hợp thu nhập của người TNT.
“Chung cư mi ni (dù khu phụ dùng chung) cũng chẳng phải có điều kiện, môi trường sống tốt hơn hàng trăm nghìn căn nhà trọ lụp xụp ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội hay sao? Tiên tiến như các nước Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc… còn không cấm việc xây nhà có diện tích 20 m2, thậm chí Trung Quốc, Hàn Quốc còn cho xây với diện tích 10 – 15 m2, tại sao mình cấm. Cầu toàn mà không dựa trên thực tế thì chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được nghịch lý xây NTNT để bán cho người thu nhập cao!”, ông Đực nhận xét.
Xuân Hương