Thú thưởng Tết của người Hà Nội

Trời bỗng nhiên trở lại với tiết Xuân, đón những cơn mưa phùn kéo Tết. Chợ hoa Hàng Lược tưởng vắng khách nhưng trời Xuân càng khiến hoa thêm tươi, lòng người thêm náo nức và khu chợ hoa vẫn náo nức bán mua.

 

Hàng Lược và các tuyến phố lân cận ngày thường vốn là một trong những hàng phố buôn bán tấp nập, thế mà nay, khi Tết đến, Xuân về, phố phường cũng như dọn mình lại, dành lối riêng cho khu chợ hoa lâu đời nhất và cũng rất đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Năm nay, kỳ nghỉ Tết đến sớm với các bạn học sinh, sinh viên nên mới chỉ 26 âm lịch, một lượng lớn các bạn sinh viên đã về quê ăn Tết. Thay vì là nơi thăm thú tấp nập của các bạn trẻ, chợ hoa Hàng Lược năm nay cũng trầm ngâm hơn, trở về là nơi mua sắm hoa, cây cảnh của người dân phố cổ, là nơi thong thả dạo bước của các bậc cao niên thưởng chút hương xuân.

 




Chợ hoa Hàng Lược kéo dài suốt chiều dài của khu phố Hàng Lược, Hàng Chai, Hàng Rươi tới cả phố Hàng Mã, Hàng Đồng nổi tiếng xưa nay bởi sắc hoa tươi thắm lạ thường, được tuyển chọn hơn hẳn những khu chợ hoa khác. Hay bởi sắc xuân về phố nên màu hoa cũng hồng hơn, màu lá cũng xanh hơn, người mua hoa xuống xe đi bộ nên cảnh sắc cũng thanh nhàn hơn.

 

Chợ hoa Hàng Lược không nói thách quá nhiều như những chợ hoa khác. Những cành hoa đào nhỏ người mua về trang trí ban thờ hoặc đặt trong gian phòng nhỏ năm nay có giá 80.000 - 200.000 đồng.

 


Rất nhiều người nước ngoài tìm đến khu chợ như một điểm tham quan và thưởng ngoạn không khí Tết của người Hà thành.

 


Không như thời điểm Tết năm trước, năm nay, chợ hoa Hàng Lược ít bày bán những “kỳ hoa, dị thảo” như năm trước như bưởi hồ lô, dưa hấu khắc chữ... mà trưng bày một “đặc sản” khác của chợ là đồ cổ, giả cổ và cả các đồ thờ cổ, giả cổ. Khu vực ngã năm Hàng Mã, Hàng Rươi, Hàng Chai cắt với Hàng Lược trở thành điểm tập trung các mặt hàng này. Rất nhiều khách tham quan thích những gian hàng như thế này dù chủ yếu đây là các mặt hàng giả cổ được sản xuất hàng loạt.

 





Hình tượng con dê, linh vật may mắn tượng trưng cho năm mới đến làm bằng đồng được bày bán khá nhiều.

 


Tìm đến chợ hoa lâu đời của đất thiêng là tìm đến một không gian lặng và thanh thản nhân dịp xuân sang. Một năm mới đang về trong từng gương mặt người, trong từng sắc màu rực rỡ của hoa xuân.

 

Bài, ảnh: Lê Sơn

Cố đô Huế vào Xuân
Cố đô Huế vào Xuân

Với việc tái hiện nghi lễ dựng nêu (tức lễ Thướng tiêu) trong Hoàng cung - Đại Nội Huế, bắt đầu từ 23 tháng Chạp năm Ất Mùi, Cố đô Huế đã thực sự vào Xuân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN