Thừa Thiên - Huế : Cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Xác định cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề ra mục tiêu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện quy trình liên thông các thủ tục hành chính trong lĩnh vực: Đầu tư, đất đai, cấp phép xây dựng, lao động thương binh và xã hội...

Bộ phận một cửa, nhận và trả kết quả của Trung tâm hành chính thành phố Huế rất thuận lợi cho người dân đến giao dịch.

Tỉnh thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp có ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp thành công.  Tỉnh cũng tạo điều kiện phát triển các hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong cả nước và khu vực; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, an toàn và minh bạch; thực hiện tốt việc nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.

Năm 2018, Thừa Thiên - Huế xác định thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về cải cách thủ tục hành chính: Rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 117 giờ/năm; thời gian nộp bảo hiểm xã hội không quá 49 giờ/năm; cấp phép xây dựng từ 166 ngày xuống còn tối đa không quá 120 ngày (bao gồm giảm thời gian thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cấp giấy phép xây dựng 19 ngày.

Tỉnh quy định, thời gian giải quyết thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng từ 82 ngày xuống còn tối đa 63 ngày (giảm 19 ngày); trong đó, thẩm định thiết kế cơ sở giảm tối thiểu 5 ngày, thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công giảm tối thiểu 4 ngày và cấp phép xây dựng giảm tối thiểu 10 ngày... Thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất xuống còn tối đa 20 ngày (giảm 10 ngày); giảm thời gian thực hiện thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy 10 ngày; giảm thời gian thực hiện kết nối cấp điện, cấp thoát nước  7 ngày và giảm thời gian đăng ký tài sản sau hoàn công là 10 ngày.

 Tỉnh Thừa Thiên - Huế tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp, phấn đấu số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 8 - 10% so với năm 2017.  Tỉnh tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3,4 trong hầu hết các lĩnh vực, gắn kết với triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; phấn đấu 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Các ngành, địa phương nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, an ninh và an toàn vệ sinh môi trường các khu, địa điểm du lịch.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Biện pháp của Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới là tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, nhất là đối với doanh nghiệp thành lập mới; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, hướng đến việc đáp ứng về xây dựng nông thôn mới. Tỉnh khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với lĩnh vực tín dụng ưu tiên; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng xã hội hóa...

Cùng với đó, tỉnh nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư đối với Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; sửa đổi, ban hành mới các quy định và tăng cường công khai minh bạch các chính sách, pháp luật liên quan tới doanh nghiệp, nhằm tạo sự bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận tín dụng, đất đai và các nguồn lực tài chính của Nhà nước.

 Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền  điện tử và áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001-2015; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích; vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công tỉnh, cấp huyện, mô hình một cửa hiện đại cấp xã. Các ngành, địa phương thực hiện công tác thanh tra kiểm tra đồng bộ nhằm giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kể cả thanh tra chuyên ngành.


Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên - Huế củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề tạo hợp lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện chương trình trọng điểm phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp trong năm 2018, nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng toàn tỉnh; nâng cao năng lực phục vụ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

 Trong 5 tháng đầu năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hút 11 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.986,7 tỷ đồng (chưa kể dự án của Tập đoàn Banya Tree). Như vậy, tính đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thu hút tổng cộng được 151 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 72.300 tỷ đồng; trong đó có 36 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 31.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, các dự án có vốn đầu tư lớn đã được cấp phép đầu tư và đang được triển khai gồm: Tập đoàn Banya Tree vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng đầu tư dự án Laguna - Lăng Cô với tổng vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD, trong đó được phép đầu tư Casino; Nhà máy điện mặt trời của Công ty cổ phần Đầu tư Đoàn Sơn Thủy có vốn đầu tư 1.150 tỷ đồng.

Trước khi được cấp phép mở rộng, Tập đoàn Banyan Tree đã có tổng mức đầu tư 875 triệu USD. Nằm trong khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, giai đoạn I của dự án do Tập đoàn Banyan Tree đầu tư gồm khách sạn Angsana Lăng Cô với 229 phòng, khu biệt thự Banyan Tree Residences với sân golf 18 lỗ với số vốn đầu tư gần 300 triệu USD đã đi vào hoạt động. Theo đề xuất của chủ đầu tư, hoạt động kinh doanh casino chiếm diện tích 2,64 ha với vốn đầu tư dự kiến 250 triệu USD...

Bài, ảnh: Quốc Việt (TTXVN)
Đồng chí Phan Ngọc Thọ được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế
Đồng chí Phan Ngọc Thọ được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế

Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN