Tại chốt kiểm dịch động vật trên QL1A thuộc địa phận xã Phong Thu, huyện Phong Điền (nơi gần ổ dịch vừa mới xuất hiện), trung bình mỗi ngày có khoảng 15-20 chuyến xe chở lợn ở các tỉnh phía Bắc đi qua chốt kiểm dịch này. Tất cả xe chở lợn đều được lực lượng thú y dừng kiểm tra và phun thuốc khử trùng theo quy trình. Lực lượng thú y, Cảnh sát môi trường và Cảnh sát giao thông tỉnh tăng cường phối hợp giám sát, xử lý nghiêm và kịp thời đối với các phương tiện cố tình không chấp hành việc kiểm dịch.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu đối với lợn có dấu hiệu bệnh, nghi bệnh tại cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, các sản phẩm thịt đông lạnh, thịt lợn tươi, giăm bông, xúc xích,... và gửi xét nghiệm tại phòng thí nghiệm có thẩm quyền để xác định chính xác tác nhân gây bệnh; báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin, số liệu dịch bệnh động vật…
Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam; đồng thời, tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn nhập lậu; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn theo quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y - Chăn nuôi tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại địa bàn thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền vừa phát hiện ổ dịch dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, ngày 16-17/3, tại gia đình ông Tạ Hồng Uẩn ở thôn Hiền An, trên đàn lợn nái 6 con của gia đình ông có biểu hiện lạ và xảy ra chết bất thường 4 con. Gia đình ông đã báo cáo chính quyền địa phương, sau đó các ngành chức năng đã về kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 6 con bị dịch tả lợn châu Phi của gia đình ông Uẩn; đồng thời, tổ chức phun trừ hóa chất, rắc vôi bột khử trùng tiêu độc trong khu vực này; xây dựng các chốt chặn tại địa bàn xã không cho các hộ mua bán, vận chuyển lợn ra vào địa bàn xã.
Xã Phong Sơn đã phát tờ rơi, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn cam kết thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi...