Thừa Thiên-Huế chủ động xả lũ khi lưu lượng hồ chứa vượt ngưỡng tràn

Lưu lượng các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến 15 giờ ngày 17/10 đều đạt xấp xỉ hoặc vượt cao trình ngưỡng tràn.

Công tác neo đậu tàu thuyền tránh trú bão số 7 tại xã Phú Thuận, Thừa Thiên Huế diễn ra khẩn trương. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Các hồ chứa nước Truồi đạt 36,8 m/36 m; hồ Hòa Mỹ 35, m/35 m; hồ Khe Ngang 9,55 m/9,2 m. Trong khi đó, thủy điện A Lưới 552, m/5,5 m; các hồ thủy điện Bình Điền đạt 70,236 m/73 m và thủy điện Hương Điền 51,61 m/58 m đều xấp xỉ cao trình ngưỡng tràn. Các hồ thủy điện A Lưới, Bình Điền, Hương Điền đang xả lũ với lưu lượng khoảng 150-180 m3/s.

Sau khi đi kiểm tra thực địa, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu, các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến bão, mưa lũ; thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đưa mực nước về cao trình chờ lũ đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi; tổ chức neo đậu tàu thuyền vào vị trí an toàn; quản lý chặt chẽ số ghe thuyền của các xã bãi ngang ven biển, đầm phá. Tổ chức kiểm tra chợ, kho tàng, nhà xưởng, công sở, di tích văn hoá; giằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lưới điện, thông tin liên lạc.

Các địa phương chủ động, sẵn sàng triển khai các phương án đối phó, phòng, chống cơn bão số7; theo dõi sát diễn biến của cơn bão, chuẩn bị phương án bảo vệ người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Địa phương chú ý cảnh báo, di dời dân ở những nơi có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vùng núi, vùng sạt lở ven biển, các khu tái định cư, các khu du lịch ven biển và đầm phá, các khu vực nuôi trồng thuỷ sản trên đầm phá, vùng cửa sông, vùng thấp trũng ven sông suối, một số vùng thấp trũng cục bộ khu vực thị trấn và đô thị thành phố. Để đối phó khi có bão mạnh, lũ lớn, toàn tỉnh chuẩn bị phương án di dời 29.350 hộ với 112.309 khẩu từ nơi nguy hiểm đến nơi an toàn.

Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch, Trung tâm Di tích cố đô Huế và các cơ sở Du lịch triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch đang lưu trú tại địa phương; có kế hoạch, phương án đóng cửa các điểm tham quan di tích khi có bão lụt xảy ra.

Trường hợp thời tiết diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế theo dõi sát diễn biến tình hình mưa bão, chủ động cho học sinh, sinh viên các cấp nghỉ học trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Y tế kiểm tra các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc men, phương tiện điều trị, chữa bệnh cho nhân dân và sẵn sàng các phương án chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân trong thời gian bão lụt.

Các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu. Các xã, thôn, bản cử người trực 24/24 giờ ở các ngầm, tràn, các đoạn đường ngập lụt, các bến đò ngang, bảo vệ dân; nghiêm cấm các chủ đò, phương tiện vận tải không đảm bảo an toàn hoạt động trong khi mưa bão...

Quốc Việt (TTXVN)
Hàng chục hộ ngư dân Quảng Bình trắng tay sau trận lũ đêm
Hàng chục hộ ngư dân Quảng Bình trắng tay sau trận lũ đêm

Chỉ trong một đêm 15/10, hàng chục gia đình tại xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã trắng tay khi bị lũ cuốn trôi tàu cá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN