Trong khi đó tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới vẫn chưa được đánh giá đúng mức, cộng thêm quá trình ứng phó triển khai khá chậm chạp đang làm gia tăng rủi ro đối với sự phát triển của Việt Nam.
Tác động tiềm tàng
Theo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định có tác động tiềm tàng đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Về kinh tế, việc thực hiện đầy đủ các nội dung của Đóng góp do quốc gia tự quyết định sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng dân cư chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và hạn chế thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra. Các giải pháp thích ứng hiệu quả sẽ hạn chế thiệt hại, giảm bớt các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến các ngành kinh tế.
Khi thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các ngành, địa phương, doanh nghiệp có cơ hội thay đổi công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế, sản xuất bền vững. Các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng sẽ khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và năng lượng sinh học, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm thiểu nhập khẩu năng lượng.
Bảo vệ và phát triển rừng được coi là giải pháp đồng lợi ích vừa giúp tăng cường hấp thu khí nhà kính, giảm nhẹ tác động của thiên tai, bảo vệ các công trình sản xuất, từ đó vừa gián tiếp ổn định cuộc sống của người dân và ổn định sản xuất.
Về xã hội, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định góp phần cùng cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sống, công bằng xã hội, an ninh và an toàn cho người dân, xử lý khác biệt giới do chú trọng đến đầu tư cho các vùng và cộng đồng dễ bị tổn thương, hạn chế sự di dân bất đắc dĩ.
Việc thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ góp phần cải tạo điều kiện lao động, cải thiện sinh kế, nâng cao năng suất, đời sống và sức khỏe cộng đồng; xây dựng nếp sống văn minh, có ý thức sẵn sàng ứng phó, tương thân, tương ái, hợp tác phòng ngừa, khắc phục khó khăn và hậu quả của biến đổi khí hậu.
Về môi trường sẽ góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, kiểm soát được tốc độ tăng phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ các tác hại do biến đổi khí hậu đến môi trường sống của con người, hệ sinh thái như giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước mặt và nước ngầm, sản xuất nông nghiệp an toàn và công nghiệp sạch hơn, giảm khả năng lây lan bệnh tật và ô nhiễm sau thiên tai; duy trì và bảo tồn các sản phẩm và dịch vụ môi trường của hệ sinh thái, đa dạng sinh học.
Còn nhiều khó khăn
Là nước bị tác động và thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu, nhưng mục tiêu và đóng góp Việt Nam đặt ra lại khá khiêm tốn so với các nước khác, cam kết về cắt giảm khí nhà kính gần thấp nhất thế giới (9% tới năm 2030 bằng nguồn lực trong nước), điều này sẽ làm khó khăn hơn khi đàm phán và huy động nguồn lực cho các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, nhất là kêu gọi các doanh nghiệp tham gia.
Với các nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu, nhu cầu cho phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ngập lụt đô thị rất lớn, tuy nhiên, nguồn lực quốc gia còn hạn chế và cần cân đối cho các mục tiêu khác nhau.
Cơ cấu tổ chức của các cơ quan thực hiện công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu còn chưa thống nhất từ trung ương đến địa phương, các cán bộ còn hoạt động kiêm nhiệm. Công tác dự báo, cảnh báo đôi khi còn chưa kịp thời.
Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu phần lớn mới tập trung vào các giải pháp công trình như đắp đê, kè, nâng cao cốt nền... Các giải pháp phi công trình như quy hoạch, trồng rừng ngập mặn, trồng cây chắn sóng… vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Chưa có hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định về thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp dự án, cấp ngành và cấp quốc gia.
Thị trường bảo hiểm đã hình thành trong vài năm gần đây nhưng chưa thực sự phát triển, đặc biệt là thị trường bảo hiểm thiên tai và biến đổi khí hậu do tính rủi ro cao. Ý thức cộng đồng trong quản lý thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được chú trọng nhưng vẫn còn hạn chế.
Với các nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, vốn đầu tư ban đầu cao, thị trường công nghệ tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo còn hạn chế, cơ chế hỗ trợ tài chính hiện có chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Chưa có hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở cấp quốc gia và cấp ngành. Việc thực thi các chính sách bảo vệ phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nhập từ các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng còn thấp.
Thể chế, chính sách về quản lý và hỗ trợ xử lý chất thải chưa hoàn thiện; tổ chức quản lý chất thải chưa thống nhất ở cả cấp trung ương và cấp địa phương với mô hình mang tính riêng biệt từng đô thị; đầu tư cho xử lý chất thải còn ít, chưa cân đối và định mức rất thấp.
Xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định công khai và minh bạch
Bà Chu Thanh Hương (Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định bao gồm phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn lực về nhân lực, công nghệ và tài chính; xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế; tài chính khí hậu; xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định công khai và minh bạch.
Hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ được thiết lập ở cấp quốc gia, cấp địa phương và cấp dự án cho huy động nguồn lực. Từng cấp sẽ tiến hành đo đạc và xác định mức giảm phát thải khí nhà kính theo các phương pháp được quốc tế công nhận và do cơ quan có thẩm quyển công bố. Cơ quan điều phối sẽ tổng hợp báo cáo các mức giảm phát thải khí nhà kính và cơ sở thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Cơ quan điều phối có thể phối hợp với một bên thứ ba tiến hành thẩm định các mức giảm phát thải khí nhà kính được báo cáo.
Đề xuất hợp tác giữa các cơ quan liên quan, bà Chu Thanh Hương nhấn mạnh Cục Biến đổi Khí hậu và Nhóm hoạt động về Biến đổi khí hậu, các Tổ chức phi chính phủ Việt Nam cần tăng cường hợp tác nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng và các đối tác liên quan về biến đổi khí hậu, trọng tâm là tuyên truyền về các chương trình, chính sách, cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà Chính phủ Việt Nam tham gia; phối hợp và thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm tận dụng nguồn lực từ cộng đồng quốc tế để hỗ trợ Việt Nam ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu.
Thông tin về các dự án ứng phó biến đổi khí hậu là lĩnh vực phối hợp ưu tiên để 2 mạng lưới có thể chia sẻ kinh nghiệm về các dự án được thực hiện hiệu quả ở các địa phương, bài học thành công từ các đối tác quốc tế để đóng góp tốt nhất trong việc hỗ trợ Cục Biến đổi Khí hậu xây dựng và triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các cơ quan đẩy mạnh thảo luận và cùng xây dựng các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa phương với trọng tâm về thích ứng dựa vào cộng đồng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực, nhận thức và thích ứng dựa vào hệ sinh thái phù hợp với mục tiêu, định hướng của các tổ chức và các ưu tiên của Chính phủ.