Ông đánh giá như thế nào về tình hình sử dụng, tiêu thụ và quản lý nguồn nước ở Việt Nam hiện nay?
Theo thống kê sơ bộ trên toàn quốc, nguồn nước ở Việt Nam hiện đang được khai thác phục vụ cho các mục đích sử dụng khoảng 84 tỷ m3/năm, trong đó từ nước dưới đất khoảng 3,8 tỷ m3/năm (tương đương 10,5 triệu m3/ngày), nước mặt khai thác sử dụng khoảng 80,6 tỷ m3/năm (221 triệu m3/ngày).
Việc khai thác, sử dụng tập trung chủ yếu vào 7 - 9 tháng mùa khô; trong đó trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm) và cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thủy sản và sinh hoạt. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu nước khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay, tình trạng thiếu nước diễn ra nghiêm trọng nếu không được kiểm soát.
Hiện nay, một số địa phương vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn. Một số tỉnh như Sơn La với trữ lượng nước mặt khoảng 19 tỷ m3/năm, tuy nhiên một số vùng thuộc huyện Mộc Châu vẫn thiếu nước nghiêm trọng. Vùng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, người dân cũng đang thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Tỉnh Hà Tĩnh mặc dù lượng nước nhiều nhưng hàng năm vẫn thiếu khoảng 95 triệu m3 nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, lượng mưa thấp, mức độ bốc hơi nước cao làm cho khả năng tích nước hạn chế, người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt, sản xuất. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hạn mặn làm cho khả năng tiếp cận nguồn nước ngọt giảm. Nước mặn lấn sâu vào đất liền vài chục đến hơn trăm km, nồng độ mặn cao, có nơi độ mặn lên tới 20 phần nghìn nên nước sinh hoạt sản xuất thiếu nghiêm trọng, có thời điểm người dân phải mua nước sinh hoạt với 200.000 đồng/m3.
Theo dự báo, có 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam như lưu vực sông Hồng - Thái Bình, lưu vực sông Cửu Long, lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Đông Nam Bộ.
Trong những năm qua, quá trình thực thi Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được nhiều kết quả, cụ thể: Đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên. Tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vận hành xả nước gia tăng khi hạ du có nhu cầu (tránh lãng phí), còn trong điều kiện bình thường chỉ vận hành đảm bảo dòng chảy tối thiểu, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (tính đến ngày 18/11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền trên 12.700 tỷ đồng).
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành gần 70 văn bản và địa phương đã ban hành gần 500 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật; có 06/15 quy hoạch về tài nguyên nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có 44/63 tỉnh đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; 33/63 tỉnh đã phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt; 44/63 tỉnh phê duyệt và công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp; 27/63 tỉnh ban hành Danh mục nguồn nước nội tỉnh.
Việc điều hòa, phân bổ tài nguyên nước bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã từng bước được hoàn thiện. Đặc biệt, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông và các Quy hoạch tài nguyên nước đã được ban hành có ý nghĩa quan trọng.
Ông có thể chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các ngành ở Việt Nam hiện nay?
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam là nước có hiệu quả sử dụng nước thấp. Cụ thể các ngành như: Nông nghiệp là ngành sử dụng nước lớn nhất, tuy nhiên hiệu quả sử dụng nước cũng thấp nhất.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2019, nước sử dụng trong nông nghiệp chiếm 81% tổng lượng nước của Việt Nam nhưng hiện chỉ tạo ra 17 - 18% GDP và tạo việc làm cho 45% lực lượng lao động.
Các đô thị ngày càng tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến. Hiện nay, mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 80,2 tỉ m3 nước, trong đó, nước mặt khoảng 77,2 tỷ m3 (chiếm 95,3% tổng lượng nước khai thác, sử dụng trên cả nước cấp cho các ngành dùng nước) và lượng nước dưới đất khai thác sử dụng chỉ khoảng 3,83 tỷ m3/năm (chiếm 4,7% tổng lượng nước khai thác, sử dụng).
Tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%), công suất khai thác nước thực tế còn thấp hơn rất nhiều so với năng lực thiết kế, nhất là khai thác nước trong thủy lợi, nông nghiệp. Hầu hết các hệ thống công trình thủy lợi đều chưa khai thác đạt năng lực thiết kế (chỉ ở mức từ 50 đến 90%) tùy theo từng khu vực. Trong khi, việc điều tiết nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, chưa tiết kiệm, thất thoát nước còn lớn (trong thủy lợi khoảng 30%).
Đối với hệ thống thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước mới chỉ bê tông hóa các hạng mục đầu mối quan trọng, hầu hết hệ thống đấu nối ra đồng ruộng là các kênh đất, được xây dựng từ khá lâu, trình độ khoa học công nghệ còn thấp nên thất thoát nước còn lớn và rất khó kiểm soát. Hầu hết hệ thống kênh dẫn đang sử dụng hiện nay là kênh hở nên việc bốc hơi nước trong điều kiện mùa khô là cao, đặc biệt là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận...
Nhiều hồ được xây từ rất lâu nên công nghệ sử dụng lạc hậu, chủ yếu là đập đất; hạ tầng đấu nối đi kèm không thể tương thích cũng làm giảm hiệu quả hoạt động của công trình. Nhiều hồ không thể tích được đủ nước theo dung tích thiết kế, thậm chí không thể tích nước, mất an toàn... nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng nước.
Để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các ngành, Cục Quản lý tài nguyên nước đã triển khai thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
Luật Tài nguyên nước 2012 quy định mọi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước cho các mục đích đều phải được cấp phép (cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển, nước dưới đất). Hiện nay, đã có hơn 20.000 công trình khai thác, sử dụng nước được quản lý từ trung ương đến địa phương thông qua công cụ cấp phép.
Để tăng cường công tác giám sát khai thác, sử dụng nước, từ năm 2017, Bộ Tài nguyên và môi trường đã ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Theo đó, quy định các chủ hồ phải lắp đặt thiết bị, camera giám sát, truyền thông tin, dữ liệu hồ chứa như mực nước hồ, lưu lượng xả nước, lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu để cung cấp kịp thời thông tin, số liệu vận hành phục vụ công tác quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Việc lắp đặt thiết bị do chủ công trình khai thác sử dụng nước tự chịu trách nhiệm và kết nối về hệ thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, đã hoàn thành việc kết nối giám sát trực tuyến gần 656/1.945 công trình thuộc quy mô cấp phép của Bộ. Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xem xét tiến hành kết nối với hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các địa phương trên cả nước.
Bên cạnh đó, thông tin, số liệu về nguồn nước, vận hành của khoảng 134 hồ chứa, đập dâng lớn, quan trọng trên 11 lưu vực sông lớn đã được quản lý, giám sát thông qua hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu vận hành; phục vụ đắc lực trong công tác giám sát, vận hành các hồ chứa. Các thông tin, dữ liệu này cũng góp phần quan trọng trong công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn trên phạm vi cả nước.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, bước đầu nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, góp phần đưa công tác quản lý tài nguyên nước vào nền nếp. Ngoài ra, việc thực hiện thu tiền cấp quyền ngoài việc tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tập trung vào 4 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác. Theo đó, Bộ đã nghiên cứu, bổ sung những quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả trong trong khai thác, sử dụng nước và quản lý nguồn nước hiệu quả hơn.
Với chủ đề: “Thúc đẩy sự thay đổi” nhân Ngày nước thế giới năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh các hoạt động gì nhằm tuyên truyền thông điệp này, thưa ông?
Với chủ đề: “Thúc đẩy sự thay đổi” của Ngày nước thế giới năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tuyên truyền hưởng ứng thông điệp này qua các khẩu hiệu tuyên truyền: Tiết kiệm nước để bảo vệ hành tinh của chúng ta; bảo vệ tài nguyên nước là góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội; tiếp cận với nước an toàn là quyền bình đẳng của mỗi người; tiết kiệm nước phải là ưu tiên hàng đầu của chúng ta; tiết kiệm nước hôm nay là tiết kiệm nước cho tương lai; hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ để thúc đẩy những thay đổi lớn.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các hoạt động như: Hướng dẫn gửi các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp… tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày nước thế giới (kết hợp với Ngày khí tượng thế giới năm 2023) với quy mô tinh gọn, tập trung vào các hoạt động truyền thông hưởng ứng.
Xây dựng Trailer về Ngày nước thế giới (kết hợp với Ngày khí tượng thế giới năm 2023) với nội dung tuyên truyền vai trò, tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa, thông điệp Ngày nước thế giới (kết hợp với Ngày khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất) năm 2023 in sao đĩa gửi các bộ, ban, ngành, các Sở Tài nguyên và Môi trường, các Đài Truyền hình Trung ương và Đài Phát thanh, Truyền hình các tỉnh, thành phố trong cả nước phục vụ công tác tuyên truyền.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xây dựng phóng sự về Ngày nước thế giới đề cập đến những điểm mới của Luật Tài nguyên nước sửa đổi, các giải pháp khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước; tổ chức, tham gia các tọa đàm về lĩnh vực tài nguyên nước và biến đổi khí hậu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!