Nhiệm vụ cải cách hành chính của Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2016-2020 là chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", hướng vào mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số cạnh tranh (PAPI) của tỉnh.
Thừa Thiên - Huế tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện hình thức liên thông trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giữa các cơ quan cùng cấp và giữa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính nhằm nắm bắt yêu cầu, mong muốn của tổ chức, cá nhân để có những giải pháp cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công…
Sắp tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ ban hành quy định hình thành các trung tâm hành chính công và phân định rõ chức năng các cơ quan nhằm tránh sự chồng chéo; gắn thủ tục hành chính với xây dựng, áp dụng và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008, tiến đến xây dựng cơ sở dữ liệu cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…, tạo thuận lợi trong giao dịch thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiện quả của cải cách hành chính phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2020.
Tỉnh cũng nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức công vụ của cán bộ công chức , coi đây là khâu then chốt trong cải cách hành chính, lấy thước đo "kỷ cương, trung thực, thạo việc" để đánh giá năng lực cán bộ.
Giao dịch tại Phòng một cửa ở phường Tây Lộc - một trong những đơn vị đi đầu về cải cách hành chính của TP. Huế. Ảnh: baothuathienhue.vn |
Hiện nay, tại Thừa Thiên- Huế, 100% các thủ tục hành chính đã được nâng lên thành dịch vụ công trực tuyến mức độ một, hai, ba, bốn và được cung cấp trên cổng thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế với 1.963 dịch vụ. Thừa Thiên - Huế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ ba và bốn (nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua mạng, qua dịch vụ bưu chính).
Tỉnh đổi mới phương thức hoạt động, điều hành gắn liền với hiện đại hóa công sở; hoàn thiện từng bước mục tiêu quản trị công sở tiên tiến trên cơ sở nhân rộng mô hình cơ quan hành chính kiểu mẫu hướng đến vận hành chính quyền điện tử đa cấp, liên thông tại Thừa Thiên - Huế vào năm 2018.
Thừa Thiên - Huế là địa phương xếp thứ 4/63 tỉnh, thành về chỉ số cải cách hành chính năm 2015. Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên - Huế có tỷ lệ thủ tục hành chính đưa vào đưa vào thực hiện cơ chế "một cửa" đạt trên 80%. Đối với cải cách tổ chức bộ máy hành chính, từ năm 2011 đến 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định thành lập, kiện toàn, đổi tên 125 đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế.
Tỉnh cũng giải thể 3 tổ chức, sửa đổi bổ sung, quy định lại chức năng, nhiệm vụ của 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và tiến hành phân cấp nhiều hơn cho UBND các huyện, thị, thành phố và các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Đến năm 2015, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện có bản công bố ISO, 48 cơ quan, đơn vị xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2008.