Dưới tác động của biến đổi khí hậu, trong 5 năm trở lại đây, tại nhiều đô thị lớn như: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trận mưa cực đoan kết hợp với triều cường đã xảy ra làm hệ thống thoát nước của các thành phố bị quá tải, gây ngập úng cục bộ.
Lý giải vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Trần Anh Tuấn, nguyên nhân trước hết là do biến đổi khí hậu phức tạp. Gần đây, những trận mưa lớn, bất thường, trái mùa không theo quy luật ập xuống bất ngờ, hàng chục năm qua mới diễn ra một lần. Sự quản lý thiếu sâu sát, chưa chặt chẽ của các quận, huyện đối với hệ thống thoát nước. Nhiều nơi được đầu tư đồng bộ nhưng vẫn để tình trạng xả rác, vật liệu xây dựng bừa bãi. Hệ thống thoát nước đầu tư từ lâu đã xuống cấp. Các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ nhiều khu vực đô thị hóa nhưng chưa có hệ thống thoát nước đô thị…
Tiếp đến, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dẫn đến yêu cầu tiêu nước khác trước, trong khi hạ tầng chung hiện nay không đáp ứng được. Thực trạng hiện nay, hầu hết bề mặt (ngoại trừ các ao, hồ) đều đã bị “bê tông hóa”. Đất trống để làm nhà, sân cơ quan, và ngay cả vỉa hè trước lúc lát gạch, đá đã được xử lý bằng một lớp bê tông phía dưới. Đô thị gần như không còn không gian cho nước mưa có thể thẩm thấu được xuống nền đất phía dưới.
Bên cạnh đó, việc thiết kế, phân khu để tiêu thoát cho các vùng có cao độ khác nhau chưa được thực hiện triệt để, dẫn đến nhiều trường hợp các vùng trũng thấp sẽ bị tập trung, ngập úng kéo dài (theo nguyên lý nước chảy vào chỗ trũng). Trong khi đó, về nguyên tắc, tiêu thoát nước cho đô thị là phải đáp ứng tiêu chí mưa giờ nào tiêu hết giờ đó nhưng hiện diện tích và dung tích các hồ điều hòa lại đang tỷ lệ nghịch với quá trình đô thị hóa.
Dưới góc độ khoa học, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phân tích, việc ngập lụt đô thị không còn dừng lại ở các thành phố ven biển mà ngay cả những thành phố, đô thị lớn ở đồng bằng hay miền núi cũng bị ảnh hưởng (như thành phố Đà Lạt, Lai Châu). Nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng biến đổi khí hậu đã làm cho diễn biến thời tiết trở nên cực đoan, dị thường không còn theo các quy luật thông thường, vượt ra khỏi các tiêu chuẩn tính toán, dự báo về tần suất và mức độ mưa. Hơn nữa, nước biển ngày càng dâng cao, kết hợp với lượng phù sa bồi đắp cho dải ven biển bị thiếu hụt cũng làm gia tăng ngập lụt đối với các đô thị vùng chịu ảnh hưởng thủy triều.
Nguyên nhân chủ quan là sự gia tăng nhanh chóng nguồn nước về đồng bằng, một phần theo quy luật tự nhiên, một phần do quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên trên các con sông thiếu đồng bộ và bền vững đã làm biến động mạnh hình thái sông. Đáy sông bị hạ thấp hơn, chất lượng nước (hàm lượng phù sa, bùn cát) trong dòng chảy về hạ du bị giảm sút… dẫn đến quá trình chuyển tải nguồn nước từ thượng lưu về hạ lưu nhanh hơn trước đây rất nhiều.
Mưa lớn trong đô thị, kết hợp lũ thượng nguồn về, đồng thời gặp triều cường; hoặc khi triều cường gặp mưa lớn... đều là những tổ hợp bất lợi, làm tăng nguy cơ ngập và khiến tình trạng ngập nghiêm trọng và phức tạp hơn, đặc biệt đối với những vùng đất thấp, ven sông, tiêu thoát kém... Đây là những trường hợp rất nguy hiểm đối với các đô thị có cao độ địa hình, mặt đất thấp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long hay các đô thị ven biển khác như: Đà Nẵng, Hội An....
Với những vùng chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều từ biển Đông trong các pha triều cường đạt đỉnh, mực nước trong hệ thống sông rạch lên cao, không những gây ngập triều cho những vùng trũng thấp (có cao độ dưới 1,5 m mà còn khiến việc tiêu thoát nước đối với những vùng có cao độ từ 1,5-2,0 m gặp rất nhiều khó khăn).
Nhằm làm giảm ngập úng cục bộ tại các đô thị, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Trần Anh Tuấn đề xuất cần có một quy hoạch tổng thể hệ thống tiêu thoát nước khoa học, phù hợp với sự phát triển đô thị. Hệ thống tiêu thoát nước phải gắn tầm nhìn phát triển đô thị, phải gắn với sự bố trí và phát triển các khu dân cư, hệ thống giao thông thủy, bộ. Bên cạnh đó, ngoài nỗ lực dành nguồn vốn tập trung đầu tư các công trình tiêu thoát nước, ý thức tự bảo quản, bảo vệ từ cơ sở xã, phường, tổ dân phố đến tận từng người dân rất quan trọng.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Hòa, thời gian tới, các đô thị lớn cần triển khai các giải pháp, công nghệ nhằm đẩy mạnh việc tiêu thoát nước. Từ các giải pháp (cứng và mềm) đối với vấn đề tiêu thoát nước trong nhà ra phố, từ phố ra các trục tiêu chính, từ trục tiêu chính ra sông hay ra các hồ, khu chậm ngập úng…; tăng cường sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, ngành, lĩnh vực liên quan. Ví dụ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thuộc lĩnh vực Thủy lợi (là cơ quan chuyên sâu về kỹ thuật và quản lý vấn đề tiêu úng, thủy động lực học dòng chảy sông, biển) với các cơ quan thuộc lĩnh vực xây dựng (là các cơ quan chuyên sâu về kỹ thuật và quản lý xây dựng, thoát nước đô thị). Các địa phương đẩy mạnh truyền thông, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với người dân trong việc bảo đảm hệ thống tiêu thoát nước; xử lý nghiêm các hiện tượng như: lấn chiếm kênh, rạch, ao hồ, miệng cống thoát nước, xả rác xuống hố ga, kênh, cống tiêu.